MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều địa phương vùng sâu thiếu giáo viên trầm trọng (ảnh minh hoạ). Ảnh: Hải Nguyễn

Gian nan bài toán thiếu giáo viên dạy Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Chân Phúc - Vân Trang LDO | 15/07/2023 12:08

Theo lộ trình đổi mới, đến năm học 2024-2025, học sinh các bậc học từ tiểu học đến THPT sẽ học hoàn toàn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Hiện những thiếu thốn về cơ sở vật chất, đặc biệt là đội ngũ giáo viên đang là rào cản để triển khai chương trình một cách toàn diện.

Lo không tuyển được giáo viên Âm Nhạc, Mỹ Thuật

Năm học 2023-2024, học sinh các cấp từ Mầm non tới phổ thông tại TPHCM dự kiến đạt mốc hơn 1,7 triệu người, tăng hơn 35.000 học sinh so với năm học trước, do đó thành phố sẽ cần tới 79.350 giáo viên (hiện có 71.171 giáo viên). Do đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP Thủ Đức, các quận, huyện là 4.466 giáo viên. Thời điểm này các quận, huyện của TPHCM đang triển khai kế hoạch tuyển dụng giáo viên tất cả bậc học cho năm học mới 2023 - 2024.

Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GDĐT quận Bình Tân - cho biết, quận Bình Tân tuyển thêm 458 giáo viên cho các cấp học. Trong đó, tuyển mới giáo viên cho khối Mầm non là 108, khối tiểu học là 136, khối THCS là 221 và Trường chuyên biệt Bình Tân tuyển dụng 3 giáo viên.

Ông Tuyên cho biết, việc thiếu giáo viên không chỉ xảy ra ở năm học mới này mà đã diễn ra ở cả những năm học trước.

Có nhiều lý do khó tuyển giáo viên ở 2 bộ môn này. Vấn đề đầu tiên là số lượng đào tạo ở các trường sư phạm rất ít trong khi nhu cầu cao. Vấn đề thứ 2 là không phải ai học xong 2 ngành này ra cũng đi làm giáo viên bởi vấn đề thu nhập” - Trưởng phòng GDĐT quận Bình Tân phân tích.

Còn tại Quận 8, ông Dương Văn Dân - Trưởng Phòng GDĐT quận - cho biết, năm học 2023-2024 sẽ tuyển mới thêm 164 giáo viên cho tất cả các cấp. Tuy nhiên, theo ông Dân, công tác tuyển dụng đang gặp khó.

“Như năm vừa rồi, quận thông báo tuyển dụng hơn 200 giáo viên nhưng chỉ tuyển được có 130 người” - ông Dân nói.

Việc thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh không chỉ xảy ra ở các quận, huyện vùng ven mà xảy ra tại quận trung tâm. Chẳng hạn Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1), bà Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng nhà trường, cho hay năm học 2023 - 2024 trường vẫn cần tuyển giáo viên Âm Nhạc, Mỹ Thuật.

“Điều này đã diễn ra trong 3-4 năm nay, năm nào trường cũng thông báo tuyển giáo viên 2 bộ môn này nhưng đều không có ứng viên. Vì vậy, trường phải mời giáo viên thỉnh giảng từ bên ngoài” - bà Trang nói.

Triển khai trong thế khó

Trước khi bắt tay triển khai chương trình mới, ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có sự nỗ lực chuẩn bị, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, bên cạnh đó là đầu tư cho cơ sở vật chất, đội ngũ. Nhưng thực tế, không phải khó khăn nào cũng khắc phục được ngay, trong đó có vấn đề con người. Tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn học mới không chỉ diễn ra ở TPHCM mà là thực trạng chung ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Thầy Từ Viết Bình - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Y Tý (Lào Cai) - cho biết, toàn trường có 550 học sinh, nhưng số máy tính hiện nay chỉ là 18 - con số này không đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Ngoài thiếu thốn về điều kiện, cơ sở vật chất, việc dạy học môn tích hợp hiện nay cũng còn nhiều khó khăn.

Cần có giải pháp lâu dài

Ông Trịnh Ngọc Hải - Trưởng phòng GDĐT huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu - cho biết, hiện nay, việc cắt giảm biên chế 10% đang gây khó khăn cho các địa phương vốn đã thiếu giáo viên ở các bậc học. Do đó, để việc triển khai Chương trình mới được toàn diện, ngành giáo dục đang đề nghị Bộ Nội vụ xem xét vấn đề này, đồng thời, tính toán phù hợp, có biên chế, bổ sung biên chế 1 số môn Tiếng Anh, Tin học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn