MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gian nan đường tới trường của học sinh vùng lòng hồ Hòa Bình

Hùng Dân LDO | 22/10/2022 09:43
Hòa Bình - Dựng nhà sát trường, đi học bằng thuyền là hành trình mà các em học sinh vùng lòng hồ Hòa Bình tìm đến với con chữ.

Đi học bằng thuyền

Trong những ngày giữa tháng 10, PV Báo Lao Động được chứng kiến hành trình gian truân tìm con chữ của học sinh ở khu tái định cư (TĐC) xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Khu TĐC xóm Nhạp được ví như “ốc đảo”, vì nơi đây không có đường bộ nối với các xóm, xã khác. Để đến được đây chỉ có con đường độc đạo là đường thủy.

Nhiều học sinh ở khu TĐC xóm Nhạp phải đi thuyền hằng ngày tới điểm trường trung tâm thuộc trường Tiểu học và THCS xã Đồng Ruộng theo học.

6h sáng, từ bến thuyền khu TĐC xóm Nhạp, PV được theo chân em Đinh Anh Vũ và em Quách Uyên Linh, người dân tộc Mường - học sinh trường Tiểu học và THCS Đồng Ruộng đi thuyền đến trường.

Trong lúc lênh đênh giữa mặt hồ, em Vũ kể: "Từ khi lên lớp 5, ngày nào em cũng phải đi thuyền sang điểm trường trung tâm xã Đồng ruộng để học, ban đầu rất sợ vì ngồi thuyền chao đảo, lắc lư... nhưng đi mãi cũng thành quen".

Còn em Linh cho biết, do gia đình không có điều kiện để đi thuyền hằng ngày, nên bố mẹ phải gửi em ở nhờ nhà người quen tại trung tâm xã Đồng Ruộng cho tiện đi học. Chỉ cuối tuần mới được về nhà nên nhiều lúc rất tủi thân.

Không chỉ chở học sinh, một số thuyền còn chở xe máy để khi cập bến bố mẹ các em tiện chở đến trường.

Ghi nhận của PV, đường đến trường của em Linh và Vũ dài chừng 10 km, chạy khoảng 30 phút thì cập bến xóm Hủm (xã Đồng Ruộng). Trong quá trình di chuyển, có thể gặp những chiếc thuyền chở học sinh, xe máy, lênh đênh giữa lòng hồ.

Từ bến thuyền xóm Hủm, các em tiếp tục vượt con đường khúc khuỷu, dốc ngược chừng 8km nữa mới tới xóm thượng, nơi có trường tiểu học và THCS Đồng Ruộng.

Buổi trưa các em ăn cơm tại trường, chiều tan học lại xuôi  bến xóm Hủm để về khu TĐC xóm Nhạp. Ngày qua ngày lặp lại như vậy trên hành trình tìm con chữ.

Mượn đất... dựng nhà cạnh trường

Không chỉ các em học sinh khu TĐC xóm Nhạp đến trường vất vả, mà học sinh mầm non và tiểu học ở xóm Dên (xã Đồng Ruộng) đi học cũng gian nan không kém.

Căn nhà bà Bùi Thị Nguôn dựng tạm bằng ván gỗ để cho các cháu tiện đi học hằng ngày.

Bà Bùi Thị Nguôn (52 tuổi, xóm Dên) tâm sự: "Nhà bà cách xóm Nhạp khoảng 5km, do không đủ tiền thuê thuyền cho  cháu đến lớp nên gia đình đành mượn đất, dựng tạm căn nhà nhỏ gần điểm trường xóm Nhạp để 2 cháu tiện đi học.

Căn nhà 3 bà cháu đang ở nhà dựng tạm bằng ván gỗ, mái lợp tôn cũ kĩ, trong nhà không hề có đồ vật gì giá trị ngoài một chiếc giường tre…

Hằng ngày, các cháu đi học, bà lại lủi thủi giặt giũ, nấu cơm, rảnh thì tranh thủ xới đất trồng rau, nuôi vài con gà để cải thiện.

Cô Quách Thị Kiều - Giáo viên mầm non tại điểm trường xóm Nhạp cho biết - điểm trường có 2 lớp mầm non và 2 lớp tiểu học với hơn 20 em học sinh. Do xóm Dên không có điểm trường nên các em phải sang đây theo học.

Đa phần các em phải đi thuyền tới lớp nên rất bất tiện và nguy hiểm. Rất mong Nhà nước sớm làm đường bộ nối tới khu TĐC xóm Nhạp, cho các em cũng như thầy cô thuận tiện đến trường, yên tâm học tập và giảng dạy.

Các thầy cô cũng như học sinh ở khu TĐC xóm Nhạp rất mong sớm có đường bộ nối tới đây để đến lớp, đến trường được thuận tiện hơn.

Theo Thầy Trần Tuấn Vang (Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Đồng Ruộng) nhà trường có 331 học sinh chủ yếu là dân tộc Tày, Mường. Ngoài điểm trường chính có 3 điểm trường lẻ ở xóm Hủm, xóm Hàng và xóm Nhạp.

Trong đó, điểm trường xóm Nhạp với 15 học sinh là xa và khó khăn nhất vì phải đi lại bằng thuyền. Nhà trường đã có giáo viên cắm bản tại đây, nhưng hiện chưa có nhà công vụ cho thầy cô ở lại nên khá bất tiện vì phải đi về trong ngày.

“Học sinh ở xóm Nhạp đến trường vô cùng vất vả, nhất là những ngày mưa gió, thuyền không sang được trung tâm xã thì các em sẽ phải nghỉ học” - thầy Vang nhấn mạnh.

This browser does not support the video element.

Video: Gian nan đường tới trường của học sinh vùng lòng hồ Hòa Bình

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn