MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên y tế học đường chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Ảnh: NVCC

Gian truân y tế học đường vùng biên khi một mình kiêm nhiệm nhiều điểm trường

Lam Thanh LDO | 20/12/2023 09:54

Không ít nhân viên y tế học đường tại các địa phương vùng cao đang phải một mình kiêm nhiệm nhiều điểm trường. Nguyện vọng lớn nhất của họ là được sắp xếp một vị trí việc làm tương xứng.

Hơn 17 năm công tác trong ngành y tế học đường, anh Phùng Công Bắc (Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu) gần như không có ngày nghỉ. Có thời điểm, một mình anh phụ trách 3 cấp trường từ mầm non đến trung học cơ sở.

"Điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất trên này còn nhiều khó khăn, học sinh và phụ huynh còn chưa ý thức cao về chăm sóc sức khỏe, các chế độ bảo hiểm y tế.

Từ năm 2016 đến 2021, khi chưa sáp nhập trường, mình phụ trách cả 3 cấp. Khối lượng công việc rất nhiều, trong khi đội ngũ y tế học đường lại mỏng. Cá nhân mình chỉ biết cố gắng phấn đấu để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao", anh Bắc cho biết.

Chăm sóc sức khỏe cho các học sinh vùng cao. Ảnh: NVCC

Theo anh Bắc, tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Tà Tổng hiện có gần 900 học sinh, trong đó hơn 400 em ở bán trú. Vì vậy, nhân viên y tế học đường phải túc trực 24/24, gần như không có ngày nghỉ. Công tác tại một xã đặc biệt khó khăn, lượng công việc lớn nhưng hàng chục năm qua, anh Bắc chưa bao giờ nản lòng.

Anh Bắc chia sẻ: "Phụ trách nhiều cấp học nhưng lương thì vẫn không cao hơn là mấy. Trách nhiệm, tình cảm với học trò nên gắn bó với nghề thế thôi.

Nhiều người nghĩ y tế học đường là công việc nhẹ nhàng thì hoàn toàn sai. Trên vùng cao này, lĩnh vực y tế rất quan trọng, phải chăm sóc cả mấy trăm học sinh chứ không ít. Các cháu thì hiếu động, cơ sở vật chất kém nên cứ luôn tay, luôn chân".

Cũng theo anh Bắc, anh và các đồng nghiệp, khi nắm được thông tư 19.20/2023 của Bộ GD&ĐT, thì rất hụt hẫng. Mọi người lo lắng không biết tương lai sẽ đi đâu về đâu. Nguyện vọng của các nhân viên y tế học đường vùng cao là được xếp vào nhóm viên chức trong cơ sở giáo dục hoặc ngành dọc y tế cấp tương đương.

Từng trải qua bao thăng trầm cùng ngành y tế học đường, chị Trần Thị Thanh Phượng (Vị Xuyên, Hà Giang) cho biết, dù nhà cách cơ quan 30km nhưng chỉ cuối tuần mới về.

Buổi tập huấn của nhân viên y tế học đường cho học sinh. Ảnh: NVCC

"Mình công tác tại trường TH&THCS Thanh Đức 3 ngày/tuần, trường PTDTBT TH&THCS Xín Chải 2 ngày/tuần. Điều kiện cơ sở vật chất trên này còn nhiều khó khăn. Công việc nhiều gần như không có ngày nghỉ. Một mình nhưng phụ trách 2 điểm trường nên cứ chạy qua chạy lại.

Lương thì chỉ được nhận ở 1 trường. Các chế độ phụ cấp về chuyên môn cũng gần như không có. Công tác bán trú nên gần như mình ở hẳn tại trường, thỉnh thoảng mới về nhà", chị Phượng cho biết.

Cũng theo chị Phượng, nếu sắp xếp vị trí việc làm xuống phục vụ hỗ trợ thì rất thiệt thòi. Bản chất đây là những công việc không đòi hỏi bằng cấp, trình độ. Mong muốn lớn nhất của các nhân viên y tế học đường là được sắp xếp một vị trí việc làm tương xứng.

Theo Thông tư số 12/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ Hướng dẫn về vị trí việc làm thì nhân viên y tế trường học thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và được chế độ hợp đồng như đối với nhân viên bảo vệ, tạp vụ.

Đến ngày 30.10, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT thì nhân viên y tế học đường không thuộc nhóm vị trí việc làm được định biên trong cơ sở giáo dục mà thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và thuộc nhân viên hợp đồng tùy theo nhu cầu của đơn vị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn