MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một buổi lễ trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ. Ảnh minh họa: Ng.Ngân

Giảng viên học tiến sĩ theo Đề án 89 bắt buộc phải có công bố quốc tế

Bích Hà LDO | 20/09/2021 16:26
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư Hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, trình độ thạc sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học theo Đề án 89.

Theo Thông tư, đề án cấp kinh phí đào tạo trình độ tiến sĩ tất cả các ngành, ưu tiên những ngành được xác định cần tập trung đào tạo trong chiến lược phát triển nhân lực trình độ cao của Việt Nam ở từng thời điểm cho đến năm 2030 và trong giai đoạn tiếp theo; đào tạo trình độ thạc sĩ các ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao.

Kinh phí hỗ trợ cấp cho người học tối đa không quá 4 năm (48 tháng) đối với người học tiến sĩ và không quá 2 năm (24 tháng) đối với người học thạc sĩ.

Có công bố khoa học trên ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus

Theo quy định của Thông tư 25, trách nhiệm của người học là phải hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn và được cấp bằng tiến sĩ, bằng thạc sĩ theo quy định của cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, theo yêu cầu của Đề án 89 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong thời gian học tập, nghiên cứu hoặc chậm nhất trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp, người học tiến sĩ phải công bố kết quả nghiên cứu liên quan trực tiếp tới đề tài luận án.

Kết quả nghiên cứu minh chứng bằng công bố khoa học trong các ấn phẩm thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus (sau đây viết tắt là WoS/Scopus) với tư cách là tác giả chính hoặc tác giả liên hệ.

Số lượng cụ thể như sau: ít nhất 02 công bố khoa học đối với người học tập trung toàn thời gian ở nước ngoài; ít nhất 01 công bố khoa học đối với người học ở các hình thức còn lại.

Người học tiến sĩ các ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục thể thao có thể thay thế công bố khoa học bằng 01 giải thưởng chính thức của các cuộc thi quốc gia hoặc quốc tế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.

Các trường hợp phải bồi hoàn chi phí đào tạo

Theo Thông tư, người học phải quay trở về cơ sở cử đi ngay sau khi tốt nghiệp và làm việc trong thời gian tối thiểu theo quy định của: Nghị định số 143/2013/NĐ-CP quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo đối với người học không phải là công chức, viên chức; Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đối với người học là công chức, viên chức và các quy định hiện hành khác có liên quan.

Trường hợp vi phạm những quy định trên và không thực hiện đầy đủ những trách nhiệm khác của người học theo quy định của Thông tư thì phải thực hiện bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đã nhận từ Đề án.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 24.10.2021.

Những đối tượng đã được tuyển chọn và đi học tiến sĩ theo Đề án 911 tiếp tục thực hiện những quy định của Thông tư 35 cho đến khi hoàn thành chương trình đào tạo.

Đề án 89 của Chính phủ “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030” bắt đầu được thực hiện từ năm 2021.

Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy hiện cả nước có 164 cơ sở đăng ký gửi 1.277 giảng viên đi đào tạo tiến sĩ bằng ngân sách theo cả loại hình đào tạo trong nước, gửi đào tạo ở nước ngoài hoặc đào tạo theo hình thức phối hợp. Tới năm 2022, có 155 đăng ký cơ sở gửi 1.308 giảng viên đi đào tạo.

Theo tính toán, để thực hiện mục tiêu của Đề án 89, trong 10 năm tới, giáo dục đại học Việt Nam cần đào tạo được khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn