MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời gian qua, nhiều giáo viên bối rối khi tiếp cận với giáo án 4 bước trong Công văn 5512 của Bộ GDĐT. Ảnh: Hải Nguyễn

Giáo án mẫu theo Công văn 5512: Vì sao giáo viên rối bời?

Bích Hà LDO | 26/06/2021 20:48

Lần đầu tiên có hướng dẫn chi tiết việc xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án), nhằm giúp giáo viên phát huy hiệu quả các phương pháp dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, nhưng có nhiều lý do khiến công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nhận những ý kiến trái chiều từ người trong cuộc.

Người kêu khổ, người tấm tắc khen

Theo Công văn 5512 về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, trong phần Phụ lục IV, Bộ GDĐT đưa ra gợi ý về việc xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án). Theo đó, việc soạn giáo án phải thể hiện các bước: Xác định vấn đề; Hình thành kiến thức mới; Luyện tập; Vận dụng. Riêng mỗi hoạt động phải đầy đủ mục tiêu, nội dung, sản phẩm và tổ chức thực hiện.

Tiếp nhận tinh thần Công văn 5512, với đội ngũ giáo viên, người thì tấm tắc khen, người lại kêu khó và khổ.

Theo một giáo viên công tác lâu năm trong ngành tại Sóc Sơn (Hà Nội), khi áp dụng mẫu giáo án mới theo Công văn 5512, mỗi tiết phải soạn bài lên đến 10 trang A4, tiêu tốn rất nhiều thời gian. Như vậy, giáo viên không có thời gian tập trung cho quá trình đổi mới phương pháp dạy học tích cực theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018.

Giáo viên này cũng không đồng ý với việc đưa ra một giáo án mẫu, rồi yêu cầu giáo viên phải soạn theo. Làm như vậy là hạn chế khả năng sáng tạo của nhà giáo.

Cũng đọc nội dung trong công văn 5512 của Bộ GDĐT, cô Thạch Anh Thư (giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) lại cho rằng, các hướng dẫn trong công văn này là cần thiết, giúp định hướng cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực mà chương trình GDPT 2018 đang hướng tới.

"Có thể nói, Công văn 5512 đã cụ thể hóa các yêu cầu trong kế hoạch bài giảng. Thực tế, từ nhiều năm nay tôi đã thực hiện soạn giáo án theo các bước như vậy, chứ không chỉ chờ đến lúc có hướng dẫn"- cô Anh Thư cho biết.

Xuất hiện thị trường mua bán giáo án "ăn theo" công văn 5512 của Bộ GDĐT. Ảnh: Thiều Trang

Đi đúng hướng, nhưng cần có lộ trình

Thừa nhận kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512 có định hướng đúng, nếu thực hiện được sẽ có lợi cho học sinh, nhưng cô Thạch Anh Thư cũng cho rằng cần có lộ trình để thực hiện cho phù hợp.

Khi đọc nội dung công văn này, cô hiểu các yêu cầu đưa ra là phù hợp với chương trình GDPT mới, nhưng có một thực tế hiện nay là nhiều nhà trường yêu cầu cả giáo viên đang dạy chương trình hiện hành cũng phải thực hiện theo.

Điều này khiến giáo viên bức xúc, nảy sinh việc tìm mua giáo án mẫu trôi nổi trên mạng để đối phó với việc kiểm tra, đánh giá của nhà trường.

"Việc chuẩn bị một bài giảng theo hướng dạy học phát triển năng lực là rất cần thiết và có lợi cho học sinh. Nhưng không nên áp dụng một cách rập khuôn máy móc, vì giáo viên cần có "đất" sáng tạo và lộ trình để chuẩn bị, thích ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục" - cô Anh Thư bày tỏ.

Kiểm tra, đánh giá cần tránh rập khuôn, máy móc

Những ngày qua, sau bài viết "Sôi động "chợ" giáo án theo Công văn 5512 của Bộ GDĐT ", Báo Lao Động cũng nhận được nhiều phản hồi của giáo viên. Theo các thầy cô, việc tìm mua giáo án trên mạng là việc "cực chẳng đã", chỉ nhằm đối phó với việc kiểm tra của "cấp trên".

Thực tế, hiện nay nhiều cấp quản lý và lãnh đạo nhà trường chưa hiểu đúng tinh thần của công văn 5512, chỉ đạo tất cả giáo viên phải soạn giáo án theo phụ lục IV của công văn.

Có nơi chỉ đạo soạn giáo án để trình báo kiểm tra trong thời gian ngắn, trong khi giáo viên chưa được tập huấn về việc xây dựng kế hoạch bài giảng theo chương trình GDPT 2018 (Module 4). Điều này khiến giáo viên lúng túng khi thực hiện, gây tâm lý bức xúc.

Ngoài ra, nhiều cấp lãnh đạo khi kiểm tra kế hoạch bài dạy của giáo viên đã vận dụng văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT một cách máy móc, chỉ chú trọng đến hình thức trình bày mà chưa quan tâm đến nội dung.

Có nơi bắt ép giáo viên phải soạn giáo án bài dạy với đủ 4 hoạt động, mỗi hoạt động có 4 bước, trong khi tinh thần của công văn 5512 là mở rộng quyền chủ động cho các nhà trường, tổ chức xây dựng kế hoạch giáo dục, bài dạy phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng nơi.

Thời gian gấp gáp, không được tập huấn, kiểm tra máy móc, nghe theo thông tin chưa đúng của các đối tượng chuyên buôn bán giáo án trên mạng xã hội... là những nguyên nhân khiến thời gian qua giáo viên "rối bời" khi thực hiện yêu cầu trong công văn 5512 của Bộ GDĐT. Điều này cũng khiến việc thực hiện xây dựng kế hoạch dạy học theo chương trình GPPT 2018 vẫn mang tính hình thức.

Để giáo viên, các nhà trường, Phòng và Sở GDĐT trên cả nước hiểu đúng và đủ về việc xây dựng kế hoạch giáo dục, Bộ GDĐT vừa ban hành công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022.

Công văn mới này đã nêu rõ rằng: Kế hoạch bài dạy trong Công văn 5512 chỉ áp dụng với chương trình GDPT mới, cụ thể là với lớp 6 từ năm học 2021-2022. Từ lớp 7 đến lớp 12, vẫn xây dựng kế hoạch giáo dục, bài dạy (giáo án) theo các văn bản ban hành trước đó.

Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng khẳng định rằng các phụ lục về mẫu giáo án, mẫu kế hoạch 5512 "chỉ để tham khảo". Vì vậy, khi thực hiện hoạt động thanh-kiểm tra, lãnh đạo nhà trường, các cấp quản lý cần tránh việc kiểm tra một cách máy móc, làm khó, làm khổ giáo viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn