MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giáo dục học sinh yêu Tết cổ truyền, yêu truyền thống văn hoá Việt

Vân Trang LDO | 19/01/2023 12:18

Gói bánh chưng, viết thư pháp, tham gia các trò chơi dân gian,... Rất nhiều hoạt động thú vị và ý nghĩa được các trường học tổ chức để giáo dục học sinh về văn hóa, Tết cổ truyền.

Cầm trên tay chiếc bánh chưng trưng vuông vắn, Trường An - học sinh lớp 9 Trường THCS Bế Văn Đàn (Hà Nội) hồ hởi khoe "thành tích" của mình. Theo bạn bè đánh giá, chiếc bánh chưng em gói đẹp và vuông vắn nhất.

Ngoài gói bánh chưng, Trường An còn được tham gia rất nhiều các trò chơi dân gian, tham gia các gian hàng hội chợ.

"2 năm rồi em mới có dịp tụ tập cùng bạn bè vui như vậy. Tết này em sẽ cùng ông bà gói bánh chưng, trang trí nhà cửa" - Tường An cười nói. 

Trong nhiều năm qua, việc học tập gắn với các hoạt động trải nghiệm đã được các trường học chú trọng. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, rất nhiều hoạt động trải nghiệm ý nghĩa cho học sinh, thiếu nhi gắn với Tết cổ truyền được các nhà trường tổ chức.

Học sinh Hà Nội tham gia hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh: Vân Trang

Các em học sinh được tự tay gói bánh chưng, hoá thân thành ông đồ viết thư pháp, trang trí cây hoa đào, tổ chức các gian hàng hội chợ,...

Và theo các thầy cô, thông qua các hoạt động ngoại khoá này, các em học sinh có thêm nhiều kiến thức thực tế, hiểu biết về nét đẹp truyền thống văn hoá Việt Nam.

Học sinh Hà Nội hoá thân thành ông đồ, tham gia cuộc thi viết thư pháp. Ảnh: Vân Trang

Được tham gia các hoạt động trải nghiệm cùng con những ngày trước Tết, anh Nguyễn Thế Khang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) rạng rỡ niềm vui bởi cậu con trai ngày thường vốn nhút nhát, nay đã tự tin tham gia các hoạt động tập thể, có thật nhiều niềm vui, tiếng cười cùng bạn bè, thầy cô.

"Qua mỗi hoạt động trải nghiệm, các con học được rất nhiều điều. Ví dụ qua hoạt động gói bánh chưng, các con biết cách gấp lá như thế nào, buộc lạt như thế nào,... Những kiến thức, kỹ năng tưởng chừng rất nhỏ đó, các con có thể rèn được tư duy, ứng dụng cho cuộc sống sau này" - anh Khang chia sẻ. 

Tại Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy, Hà Nội), những ngày trước Tết, học sinh được tham gia chương trình "Tết sẻ chia" với nhiều hoạt động như gói bánh chưng, mở các gian hội chợ bán hàng gây quỹ từ thiện, các trò chơi dân gian, chương trình âm nhạc,...

Những điều ước của học sinh trong năm mới 2023. Ảnh: Vân Trang

"Hoạt động gói bánh chưng giúp em có thêm trải nghiệm quý giá, hiểu về Tết truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bánh chưng sẽ được luộc ngay bên ngoài cổng trường, mỗi con sẽ có 1 chiếc bánh do tự tay mình gói mang về.

Các gian hàng đồ ăn đều do phụ huynh chuẩn bị. Các con đến mua đồ ăn, tiền thu về sẽ mua chăn, quần áo mang lên Hà Giang ủng hộ trẻ em nghèo,... " - cô Văn Thùy Dương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh chia sẻ.

Không riêng Hà Nội, trường học trên khắp cả nước đều có những chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động trải nghiệm để giúp học sinh cảm nhận được không khí ngày lễ Tết.

Học sinh gói bánh chưng, trang trí cây đào ngay tại sân trường. Ảnh: Vân Trang

Tại Trường Tiểu học Thị trấn Gia Lộc (Hải Dương), những ngày cận Tết, tiếng cười nói rộn ràng, không khí vui tươi tràn ngập khắp sân trường. Thay vì phải ngồi học trên lớp, các em học sinh được tự tay trải nghiệm gói bánh chưng, thưởng thức các hương vị, món ăn cổ truyền ngày Tết hay tham gia các trò chơi dân gian. 

“Thông qua hội chợ Tết, nhà trường tạo sân chơi cho học sinh làm quen với bản sắc văn hóa dân tộc, bồi đắp vốn hiểu biết về văn hóa ngày Tết cổ truyền của dân tộc với khung cảnh hội chợ, những trò chơi dân gian đậm nét truyền thống của dân tộc như nặn tò he, viết câu đối, chợ truyền thống. Nụ cười của các em là niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi thầy cô” - cô Hoàng Thị Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Gia Lộc bày tỏ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn