MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS Trương Nguyện Thành nói các trường ĐH ở Việt Nam muốn thoát ly cơ quan chủ quản phải có lộ trình, và phải chấp nhận "sai số".

Giáo sư Trương Nguyện Thành: Đại học thoát ly cơ quan chủ quản, phải chấp nhận "sai số"

Ngô Cường LDO | 22/06/2018 14:20

Trước lo ngại các trường Đại học (ĐH) tự chủ, thoát ly bộ chủ quản sẽ dẫn tới tình trạng, nhiều trường ĐH chủ trương mở rộng quy mô đào tạo, đào tạo tràn lan, làm giảm chất lượng giáo dục, GS Trương Nguyện Thành cho hay, thời gian đầu sẽ có một chút rối rắm, đó là tất yếu, phải chấp nhận có “sai số”.

Bộ GD-ĐT vừa yêu cầu ba trường đại học đang thí điểm cơ chế tự chủ xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản (Bộ GD-ĐT), trình bộ này trong tháng 8.2018. Ba trường gồm ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TPHCM và ĐH Bách khoa Hà Nội.

Theo Bộ GD-ĐT, thực hiện nghị quyết số 77 của Chính phủ ngày 24.10.2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, đến nay bộ đã tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 77 và thấy rằng kết quả đạt được là "rất đáng khích lệ".

Nhiều người cho rằng, hiện nay một số cơ quan chủ quản can thiệp sâu vào hoạt động của trường đại học và biện hộ rằng đó là cách để "hỗ trợ" hay giám sát hoạt động của nhà trường, nhưng thực tế lại gia tăng gánh nặng kiểm soát toàn bộ hoạt động của trường. Liên quan vấn đề này, Báo Lao Động đã trao đổi với giáo sư Trương Nguyện Thành (nguyên hiệu phó điều hành Đại học Hoa Sen, nhà khoa học trứ danh của ĐH Utah, Mỹ).

Không có bất cứ trường ĐH nào có khả năng tự chủ “luôn và ngay”

Ý kiến của một nhà khoa học, đại ý thế này: Tự chủ hiện nay của các trường ĐH chỉ là tự chủ nửa vời. Tất cả đầu tư công của các trường đều phải xin phép bộ chủ quản. Khi có bộ chủ quản thì tư duy muốn “quản” vẫn còn. Ở Mỹ, người ta "tự chủ" thế nào, thưa ông?

- Ở Mỹ, tất cả trường ĐH đều tự chủ. Họ có hội đồng quản trị, những người trong hội đồng quản trị được thống đốc bang bổ nhiệm, có thể là doanh nghiệp, nhà quản lý ở nhiều lĩnh vực ngành khác nhau nhưng tựu chung, họ có địa vị, tầm vóc, kinh nghiệm, kiến thức và tư duy xã hội trong tiểu bang đó.

Vào hội đồng quản trị, họ có quyền quyết định mọi thứ, thống đốc bang không đụng tới. Khi các trường ĐH tự chủ, thoát ly cơ quan chủ quản, vai trò của thống đốc bang, của Chính phủ là bổ nhiệm thành viên cho hội đồng quản trị, tất cả chỉ có thế.

Bộ chủ quản quyết định tầm vĩ mô của nhà trường, nếu bỏ cơ quan chủ quản thay vào đó hội đồng trường sẽ có vai trò thay bộ chủ quản thì phải xác định rõ cơ cấu của hội đồng trường. Đồng thời phải xây dựng cơ chế giữa hội đồng trường, ban giám hiệu và Đảng ủy để các bộ phận này làm việc thông suốt hơn. Vậy, hiệu trưởng có vai trò thế nào trong tương quan các mối quan hệ vừa nêu trên?

- Công việc của hiệu trưởng là nghĩ về tương lai 5-10 năm cho trường, gợi mở tương lai cho sinh viên của mình. Nếu hiệu trưởng dành quá nhiều tâm sức để quán xuyến công việc nội bộ thì không còn thời gian nghĩ cho tương lai.

Hiệu trưởng là người trình báo cáo ngân sách hàng năm lên cho Chính phủ. Báo cáo trình Chính phủ của hiệu trưởng gồm phần trăm học phí, phần trăm khoản thu nhập khác, yêu cầu Chính phủ cung cấp bao nhiêu phần trăm ngân sách. Thí dụ, nếu Chính phủ cung cấp cho trường 30% ngân sách thì học phí nhà trường sẽ giữ được ở mức nào? Nhà trường sẽ tính toán mức học phí dựa trên ngân sách điều động của Chính phủ và các nguồn thu khác.

Có nhiều quan ngại, cho rằng, khi trường ĐH tự chủ, thoát ly bộ chủ quản sẽ dẫn tới tình trạng, nhiều trường ĐH chủ trương mở rộng quy mô đào tạo, đào tạo tràn lan, làm giảm chất lượng giáo dục. Ví dụ, một trường ĐH chưa đủ nhân lực, cơ sở vật chất để đào tạo ngành y dược nhưng vì thị trường lao động đang cần, họ quyết “làm liều”?

- Thời gian đầu sẽ có chút rối rắm, đó là tất yếu, phải chấp nhận có "sai số". Tuy nhiên, hãy cho họ thời gian 3-5 năm để các trường ĐH tự chủ thí nghiệm, học hỏi, ổn định chính sách, phương thức hoạt động. Tất cả vấn đề tự chủ ĐH không phải ngày một ngày hai là làm được. Ở Mỹ cũng vậy, các trường ĐH muốn tự chủ phải mất 10-20 năm phát triển.

Tôi kiến nghị thế này, các trường ĐH ở Việt Nam nên tự chủ theo kiểu cuốn chiếu. Tức là năm này tự chủ ngành này, năm sau tự chủ ngành khác, có chiến lược, làm từng bước một?

- Cái gì cũng cần có lộ trình. Không có bất cứ trường ĐH nào có khả năng tự chủ “luôn và ngay”, cho nên phải có chiến lược. Trường ĐH muốn tự chủ, thoát ly cơ quan chủ quản phải trả lời được câu hỏi, tại sao anh chọn ngành này để tự chủ, sao không phải ngành khác. Tất cả phải có chiến lược và tầm nhìn và bám sát thị trường lao động.

Muốn “cởi” nút thắt đào tạo, hãy cho trường ĐH tự chủ

Thực tế, một số trường ĐH tự chủ, thoát ly cơ quan chủ quản thường tăng học phí rất cao, nhiều sinh viên không theo được?

Quan ngại nhất của các trường ĐH là tự chủ về tài chính, học phí có thể tăng cao đột xuất. Khi học phí tăng cao như vậy, có một số thành phần trong xã hội không có khả năng theo học, và như thế ảnh hưởng đến phát triển xã hội, tạo nên sự phân cấp, người giàu có cơ hội giàu hơn, người nghèo thì không có cơ hội đó.

Các trường ĐH tư nhân – họ phát triển định hướng doanh nghiệp, tích hợp thêm nhiệm vụ tạo ra lợi ích kinh tế, phát triển bền vững. Còn trường ĐH công lập nếu tự chủ, thoát ly cơ quan chủ quản, ngoài vấn đề phát triển bền vững, họ còn có trách nhiệm với xã hội. Có những ngành trường ĐH tư nhân không đào tạo vì không có lợi nhưng trường ĐH công lập bắt buộc phải có vì xã hội cần.

Chính phủ vẫn đầu tư cho trường ĐH công lập một phần ngân sách thì trường ĐH công phải có trách nhiệm đảm nhận. Tôi chỉ hơi lo lắng rằng, nếu trường ĐH công lập hoàn toàn tự chủ, liệu họ có ý thức đảm nhận trách nhiệm với xã hội không, hay họ hoạt động, điều hành hoàn toàn theo tư duy của trường tư.

ĐH ở Việt Nam thoát ly cơ quan chủ quản, làm được không, thưa ông?

Tôi nghĩ hoàn toàn có thể làm được. Các trường ĐH ở Việt Nam nên có cơ chế tự chủ, vì khi mà họ được cơ chế tự chủ, họ sẽ phải chủ động lắng nghe nhu cầu của thị trường lao động, đó là áp lực sống còn của họ. Không có chuyện như trước đây, khi trường ĐH phụ thuộc vào bộ chủ quản, bộ chủ quản yêu cầu trường ĐH của mình đào tạo khoảng 1.000 sinh viên, nhưng khi ra trường, sinh viên không có việc làm, thì nhà trường đổ trách nhiệm cho bộ, với lý lẽ "nhà trường chỉ có trách nhiệm đào tạo".

Còn khi trường ĐH tự chủ thì nhiệm vụ sống còn của họ là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ví dụ, nếu trường ĐH A đào tạo 2.000 nhân lực, trong khi 1.000 người không có việc làm thì tất nhiên “chương trình đào tạo” của trường ĐH A này thất bại và vang tiếng vang thất bại, sẽ không có cơ hội tuyển sinh năm sau. Mà không có cơ hội tuyển sinh năm sau thì "coi như xong".

Nếu trường ĐH được cơ chế tự chủ, bắt buộc nhà trường phải lắng nghe nhu cầu thị trường lao động, nhu cầu của doanh nghiệp, rồi tự điều tiết chương trình đào tạo để phù hợp.

Cảm ơn những chia sẻ của ông!  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn