MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm. Ảnh: Nhật Lệ

Giáo sư từng có ý kiến về Tiên học lễ nêu quan điểm vụ học sinh ném dép vào cô giáo

Hà Quyên LDO | 08/12/2023 15:05

Vụ việc học sinh ném dép vào cô giáo tại Trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) cho thấy tinh thần tôn sư trọng đạo, "tiên học lễ, hậu học văn", vốn là những truyền thống rất tốt đẹp của dân tộc nhưng đang có dấu hiệu bị phai nhạt phần nào.

Sự việc nêu trên cũng chính là hồi chuông báo động về tình trạng suy thoái đạo đức trong một bộ phận học sinh, đòi hỏi ngành giáo dục phải có những giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

Thay đổi quan niệm về “lễ”

Cuối năm 2021, GS Trần Ngọc Thêm - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM - nêu quan điểm cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường để giải phóng sức sáng tạo. Lúc đó có luồng ý kiến phản đối cho rằng bỏ khẩu hiệu này đạo đức sẽ băng hoại.

Nay nhân sự việc xảy ra ở Tuyên Quang, trao đổi với Báo Lao Động sáng 7.12, GS Thêm cho hay, vấn đề không phải ở chỗ có dạy lễ hay không mà một phần nguyên nhân xuất phát từ chỗ việc dạy “lễ” còn mang tính giáo điều, thụ động.

“Người ta thường cho rằng bỏ ‘lễ’ sẽ làm đạo đức sa sút như thế này. Vấn đề không phải như vậy, không phải cứ dạy lễ nhiều, học sinh khắc lễ phép. Ý tôi là không nên dạy lễ một cách giáo điều như lâu nay vẫn làm” - GS Thêm nói.

Theo GS, xã hội ngày nay không phải là xã hội "Quân - Sư - Phụ" mà là một xã hội dân chủ. Xã hội khác xưa thì nội hàm của chữ "lễ" nay phải khác xưa, không chỉ đòi hỏi trò giữ "lễ” với thầy cô mà thầy cô cũng phải giữ “lễ” với trò, tôn trọng trò. Không thể vì trò vô lễ với mình mà mình không kiềm chế nữa, cũng dùng ngôn ngữ “chợ búa” với trò, cũng cầm dép đuổi theo đánh trò.

GS Thêm cho hay trong xã hội hiện nay, học sinh có thể tiếp cận nhiều luồng thông tin, trào lưu, hành động tích cực và tiêu cực từ truyền thông đến xã hội, không thể giữ mãi quan niệm về “lễ” như xưa và đòi hỏi các em “tôn sư trọng đạo” vô điều kiện như xưa. Nội hàm khác đi thì tên gọi phải khác đi: Cái ưu tiên không phải là “học lễ” mà nên là học làm người tử tế.

Học làm người tử tế

Theo GS Thêm, người tử tế là người cẩn thận, chu đáo, kỹ lưỡng với bản thân và với mọi người; là người có lòng nhân ái, biết bao dung yêu thương, luôn trân trọng và tôn trọng mọi người xung quanh. Sống tử tế tức là sống với hành động đẹp, suy nghĩ đẹp, lời nói đẹp.

Để dạy học sinh trở thành những người tử tế, trước hết thầy cô phải là những người tử tế. Sự tử tế đòi hỏi 3 yếu tố: Trung thực, sáng tạo và bản lĩnh. Trước hết phải giáo dục sự trung thực chứ không phải là sự khôn ngoan theo kiểu khôn lỏi, láu cá mà truyền thống dân gian Việt Nam xưa nay hướng đến (hình tượng Trạng Quỳnh là một ví dụ).

Thứ hai là phải giáo dục sự sáng tạo. Trong từng hoàn cảnh phải biết suy nghĩ một cách sáng tạo để hành động sao cho đúng, không a dua theo người khác.

“Ví dụ trong sự việc xảy ra ở Tuyên Quang, cần tự suy nghĩ xem cô đúng sai ở điểm nào, mình đúng/sai ở điểm nào, từ đó nên hành động ra sao, chứ không phải cứ bất bình với cô thì đánh cô, thấy các bạn đánh cô thì mình cũng hùa theo” - GS Thêm bày tỏ.

Thứ ba là phải giáo dục bản lĩnh. Trung thực và sáng tạo rồi còn cần phải có bản lĩnh để làm điều mình cho là đúng.

Người Việt Nam xưa nay có bản lĩnh tập thể rất mạnh nhưng bản lĩnh cá nhân thì rất yếu. Đơn cử là trong sự việc trên, cả nhóm học sinh cùng xông vào tấn công cô giáo. Trong đó, có thể có những em không thực sự muốn làm như vậy nhưng vẫn bị cuốn theo hành vi đó, tức các em thiếu bản lĩnh chống lại cái xấu. Mỗi học sinh phải học làm sao để trở thành con người trung thực, biết suy nghĩ sáng tạo, có bản lĩnh để hành động theo điều mình cho là đúng chứ không phải máy móc, thụ động để rồi bị cuốn theo những điều sai trái.

“Cần phân tích để các em thấy rằng làm một người tử tế là không làm hại người khác, luôn ủng hộ những điều tốt đẹp. Muốn vậy bản thân các em phải biết tư duy việc nào là đúng, việc nào là sai. Tức là phải chủ động, tránh tư duy thụ động” - GS Thêm phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn