MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất giáo viên phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Ảnh: Vân Hà

Giáo viên băn khoăn về đề xuất nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp

Mi Vân LDO | 24/01/2024 08:35

Nhiều ý kiến giáo viên cho rằng, giấy chứng nhận nghề nghiệp không cần thiết, gây lãng phí, phiền phức cho thầy cô giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trong quá trình lắng nghe ý kiến đóng góp, phản biện để xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo. Một trong số những nội dung đáng chú ý dự kiến quy định tại Luật Nhà giáo là tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo. Theo đó nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Giấy chứng nhận này được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc.

Thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hoà bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Lí do thầy Lực đưa ra là bởi để trở thành giáo viên, mỗi thầy cô phải được đào tạo 4 năm tại các trường đại học và 3 năm đối với các trường cao đẳng. Chưa kể, nhiều thầy cô sau khi ra trường, công tác, còn dành thêm 2 năm học lên thạc sĩ và sau đó là học lên bậc tiến sĩ.

"Sinh viên sau khi tốt nghiệp trường sư phạm được cấp bằng tốt nghiệp. Đây là văn bản có giá trị hợp pháp cao nhất để giáo viên hành nghề giảng dạy. Hiện nay theo Luật viên chức, giáo viên trước khi làm một viên chức giáo dục thì được thông qua kì thi tuyển cạnh tranh khốc liệt. Do đó, không cần thiết phải cấp chứng nhận nghề nghiệp" - thầy Lực phân tích.

Giáo viên này cho rằng, mặc dù theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, giấy chứng nhận nghề nghiệp này được cấp miễn phí, nhưng thực tế, loại giấy tờ này không cần thiết, sẽ gây lãng phí, tốn kém, phiền phức cho thầy cô.

"Giấy phép này chỉ cần thiết cho những người dạy thêm ở bên ngoài để Nhà nước quản lí chất lượng việc dạy thêm, học thêm thay vì cấp cho tất cả giáo viên.

Còn đối với đội ngũ nhà giáo, điều quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần thường xuyên tổ chức tập huấn về phương pháp mới cho thầy cô để tiếp cận với thế giới. Đấy mới là điều cần làm thay vì có thêm 1 loại "giấy tờ con""- thầy Lực nói.

Cô Lê Thu Cường - giáo viên môn Toán cấp THPT tại Hà Tĩnh cũng bày tỏ quan điểm không ủng hộ đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo.

Với nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, cô Thu Cường nhận định, nghề giáo có đặc thù riêng, không thể lừa dối được nên không cần chứng nhận. Cấp giấy chứng nhận cho giáo viên cả nước rất mất thời gian, sẽ gây tốn kém tiền bạc và công sức, tác dụng của giấy chứng nhận còn rất mơ hồ.

"Giáo viên tốt nghiệp đại học đã đủ, không cần thêm bất kì giấy tờ nào. Việc cấp giấy hành nghề hay chứng nhận chỉ dành để bồi dưỡng cho những sinh viên hay người tốt nghiệp ở các ngành khoa học cơ bản khi muốn hay có nhu cầu tham gia vào đội ngũ thầy cô giáo để thực hiện hoạt động dạy học" - cô Thu Cường nói.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục - cho rằng, giấy phép hành nghề sẽ thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay, được cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc.

Khi có giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, nhà giáo có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác; việc điều động nhà giáo giữa công lập và ngoài công lập, việc thuyên chuyển nhà giáo giữa các địa phương được triển khai thuận tiện hơn, đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn