MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 70,21% giáo viên cho rằng họ đang bị áp lực. Ảnh: Đại học Quốc gia TPHCM

Giáo viên chịu nhiều áp lực, lớn nhất từ phụ huynh

Chân Phúc LDO | 18/11/2024 19:11

TPHCM - Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 70,21% giáo viên cho rằng họ đang bị áp lực hoặc rất áp lực từ phụ huynh học sinh.

Đó là thông tin ghi nhận được từ kết quả "Nghiên cứu đời sống giáo viên tại tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang" do Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện công bố ngày 18.11.

Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia TPHCM đã tiến hành nghiên cứu, phỏng vấn 132 các nhà quản lý giáo dục, giáo viên các cấp và khảo sát diện rộng 12.505 giáo viên các cấp về các nội dung liên quan đến thu nhập, đời sống, áp lực, động lực theo nghề,… vào tháng 9 và tháng 10 năm 2024.

Kết quả khảo sát cho thấy, từ khi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, thu nhập của giáo viên được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, thu nhập của nghề giáo chỉ đáp ứng trung bình 51,87% nhu cầu chi tiêu hàng tháng của gia đình giáo viên đối với nhóm không có làm thêm các nghề phụ.

Đối với nhóm giáo viên có làm thêm nghề phụ, chỉ đáp ứng khoảng 62,55%. Riêng giáo viên có thâm niên dưới 10 năm đánh giá thu nhập của nghề giáo chỉ đáp ứng trung bình 45,7% nhu cầu chi tiêu hàng tháng của gia đình.

Đánh giá mức độ áp lực tài chính (thu nhập từ nghề giáo không trang trải đủ cuộc sống) của giáo viên có mức điểm bình quân khá cao 3,61/5 (5 là rất áp lực).

Trong đó, 44% giáo viên cho biết họ đang chịu áp lực đến rất áp lực; chỉ có 19% giáo viên cho rằng họ đang thoải mái và rất thoải mái, không bị áp lực tài chính.

Ngoài áp lực về tài chính, giáo viên còn gặp áp lực bởi các hoạt động chuyên môn như chuẩn bị bài giảng, họp bộ môn, các công việc hành chính, xã hội khác; áp lực liên quan các quy định về chuẩn mực nhà giáo, thái độ với học sinh…

Đáng chú ý, khảo sát cho thấy hiện giáo viên đang bị áp lực lớn nhất từ phụ huynh học sinh. Có đến 70,21% giáo viên cho rằng họ đang bị áp lực hoặc rất áp lực từ phụ huynh học sinh.

Đồng thời, 40,63% giáo viên được khảo sát cho biết họ từng có ý định chuyển nghề do bạo lực tinh thần từ phụ huynh.

Bên cạnh đó, có 94,23% giáo viên cho biết họ tiếp tục theo đuổi nghề là vì lòng yêu nghề, yêu trò; 91,6% giáo viên tiếp tục theo đuổi nghề giáo vì lý tưởng bản thân, xem đây là nghề cao quý; chỉ có 49,99% giáo viên chọn tiếp tục theo đuổi nghề giáo vì mức thu nhập hợp lý và 48,75% giáo viên cho biết tiếp tục theo đuổi nghề vì các chính sách đãi ngộ tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn