MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Trần Mạnh Tùng – giáo viên Trường Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Giáo viên chua xót nói về lạm thu, bạo lực học đường, gian lận thi cử

HUYÊN NGUYỄN - ANH NHÀN LDO | 04/09/2019 07:44

“Là giáo viên tôi thấy buồn, thấy chua xót khi phải nhắc đến lạm thu, đến các vụ bạo lực học đường, đạo đức xuống cấp… nhưng nếu muốn đổi mới thành công thì chúng ta phải nhìn thẳng và làm thật” – ông Trần Mạnh Tùng – giáo viên Trường Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) bày tỏ tâm tư trước thềm năm học mới.

Không để "mất bò mới lo làm chuồng"

Đời sống không đảm bảo, tình trạng lạm thu, bạo lực học đường, tiêu cực… vẫn là những trăn trở của nhiều giáo viên năm học mới.

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng chia sẻ: “Với cương vị là giáo viên để nói ra điểm xấu trong ngành quả là đau xót. Xã hội hoá giáo dục là không sai nhưng nhiều cơ sở giáo dục yếu kém lại coi đó là một kênh để thu hút nguồn lực, vật chất cho trường mà trong nhiều trường hợp việc sử dụng chưa minh bạch.

Cứ đến đầu năm, câu chuyện lạm thu lại khiến dư luận bức xúc. Các cơ quan quản lý nhà nước dù đã có nhiều biện pháp nhưng rõ ràng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn” - ông Tùng thẳng thắn.

Để tránh bức xúc trong câu chuyện lạm thu, ông Tùng mong muốn các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, kiểm tra, xử lý tiêu cực để mọi người cùng chung tay hạn chế, xoá bỏ hành vi này.

Bàn về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, ông Tùng nhắc tới nhiều vụ đáng tiếc xuất phát từ chuyện ứng xử giữa thầy và trò, giữa giáo viên với nhau hay giáo viên với phụ huynh làm ảnh hưởng tới môi trường giáo dục. Để hạn chế, trong sinh hoạt chuyên môn, giáo viên cũng cần được học tập các quy định, kỹ năng ứng xử, không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Giáo viên phải là một tấm gương sáng

Trong năm học 2019-2020, nam giáo viên Trường Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội nhấn mạnh đến bồi dưỡng giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Năng lực của giáo viên có thể quyết định tới 80% sự thành công của chương trình.

Từ nhận định đó, ông Tùng mong muốn việc tập huấn chương trình mới cho giáo viên phải đi vào thực chất, không chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”.

Thầy giáo này cũng nhấn mạnh đến việc thực hiện triết lý giáo dục lấy học sinh làm trung tâm phải được làm đúng, phải hướng đến sự phát triển của học sinh, lắng nghe và tôn trọng sự khác biệt của các em.

“Nếu không làm được điều trên thì những thay đổi sắp tới chỉ như một chiếc áo mới thôi còn cơ thể bên trong vẫn vậy. Việc này cần sự quyết tâm, chung tay của cả xã hội chứ không riêng ngành Giáo dục”, nam giáo viên chia sẻ.

Cô giáo Phạm Thị Lý nhấn mạnh mỗi giáo viên phải là một tấm gương cho học sinh học tập và làm theo. Ảnh: Anh Nhàn

Để giáo dục trong năm học mới được khởi sắc hơn, giảng viên Phạm Thị Lý – Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trăn trở khi sự tôn trọng của xã hội đối với ngành Giáo dục bị giảm sút trong thời gian qua do có vấn đề tiêu cực, gian lận thi cử...

“Bác Hồ nói nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Vì vậy, cần củng cố sự tôn trọng, niềm tin của xã hội đối với giáo viên. Để có điều này, trước hết, mỗi thầy cô giáo phải biết học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, phải là những người có đạo đức, yêu người, yêu nghề.

Bản thân mỗi người cố gắng học tập và trau dồi tri thức để truyền đạt tới sinh viên một cách tốt nhất. Thầy cô phải là một tấm gương mẫu mực về mọi mặt thì sẽ giáo dục tốt học sinh, sinh viên và được các em tôn trọng”, cô giáo Phạm Thị Lý bày tỏ.

Giảng viên Phạm Thị Lý – Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Anh Nhàn

Mặt khác, để giáo viên có thể toàn tâm, toàn ý với sự nghiệp giáo dục, nữ giảng viên cho rằng điều mấu chốt vẫn phải đảm bảo được đời sống cho giáo viên.

“Là giáo viên, tôi chia sẻ với nhiều thầy cô, nhất là ở bậc phổ thông rất áp lực, đòi hỏi nhiều nhưng thu nhập chưa đảm bảo để họ yên tâm sống với nghề. Nói là yêu nghề nhưng giáo viên vẫn phải đảm bảo những điều kiện cơ bản cho cuộc sống. Muốn giáo dục tốt, tuyển được giáo viên giỏi thì cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của họ”, cô giáo Phạm Thị Lý cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn