MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giáo viên đăng hình ảnh học sinh lên TikTok: Phản cảm trong giáo dục?

Vân Trang LDO | 12/04/2023 11:40

Bất chấp những quy định của pháp luật về việc sử dụng hình ảnh cá nhân của trẻ em, nhiều giáo viên đăng hình ảnh của học sinh lên TikTok hay các nền tảng mạng xã hội để câu like, câu view.

Như Lao Động đã phản ánh, hiện nay, nhiều giáo viên thường xuyên đăng tải hình ảnh học sinh lên mạng xã hội như Facebook, TikTok.

Những video do giáo viên đăng tải thu hút hàng nghìn cho đến cả triệu lượt xem. Điều đáng nói, mặc dù học sinh cố gắng che mặt, không muốn xuất hiện trong video, nhưng một số giáo viên vẫn cố gắng quay bằng được khuôn mặt của học sinh. Một số thầy cô giáo khác thì rủ học sinh nhảy nhót, công khai danh tính, gia cảnh của gia đình học sinh. 

Nhiều giáo viên “vô tư” đưa hình ảnh học sinh lên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Là phụ huynh có con học lớp 8 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, chị Vũ Thị Ngọc Anh cho rằng, hành động giáo viên quay hình ảnh học sinh, đăng trên các nền tảng mạng xã hội khi chưa được sự đồng ý của các em, hoặc thậm chí cha mẹ là điều vô cùng phản cảm trong giáo dục.

Nhiều giáo viên còn đăng clip nhảy nhót cùng học sinh lên TikTok. Ảnh chụp màn hình

"Các con ở độ tuổi phát triển tâm sinh lí, nên chưa hiểu hết được những tác hại, mặt tiêu cực của mạng xã hội. Thầy cô giáo nhẽ ra phải là người định hướng cho các con thay vì sử dụng hình ảnh học sinh với mục đích câu view, câu like. Bất kỳ ai làm cha, làm mẹ, khi nhìn thấy hình ảnh con được đăng tải trên mạng xã hội như vậy sẽ đều rất bức xúc" - chị Ngọc Anh nói. 

Cô Trần Thị Duyên, giáo viên Trường Mầm non Xuân Quang, Tuyên Quang chia sẻ, tại các cuộc họp, dù không có văn bản chính thức nhưng lãnh đạo nhà trường vẫn liên tục nhắc nhở các thầy cô giáo không tự ý đăng hình ảnh của học sinh lên mạng xã hội, đặc biệt là hình ảnh và nội dung theo hướng phản cảm.

Đồng quan điểm nêu trên, cô Mai Ánh Nguyệt, giáo viên Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội) khẳng định, việc sử dụng mạng xã hội như con dao hai lưỡi. Do đó, khi giáo viên đăng tải hình ảnh học sinh rất dễ phát sinh những tình huống khó lường. 

Theo cô Ánh Nguyệt, nếu giáo viên chỉ nên chia sẻ hình ảnh học tập nhằm nâng cao chất lượng, truyền tải thông điệp đến phụ huynh, cộng đồng.

"Nhiều trường, nhiều thầy cô thường đăng tải lên mạng xã hội những thông tin, bức ảnh, hoạt động khen thưởng tập thể, tấm gương học giỏi, chân dung học sinh nhận được nhiều học bổng,... dưới sự kiểm duyệt của ban giám hiệu, của phụ huynh thì điều này nên làm. Còn nếu thầy cô đăng ảnh học sinh vì mục đích khác thì tôi cho rằng không nên.

Bản thân các thầy cô giáo, đôi khi cũng không thể hình dung hết được những mặt lợi, mặt hại của việc đăng tải hình ảnh học sinh lên mạng xã hội. Đã đến lúc các nhà làm luật cần quan tâm đến đối tượng học sinh từ 6-15 tuổi" - cô Ánh Nguyệt bày tỏ quan điểm. 

Hiện nay, luật pháp đã có quy định để bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em. Cụ thể, Khoản 11, Điều 6 của Luật Trẻ em 2016 nghiêm cấm hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

Khoản 1 Điều 36 trong Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9.5.2017 của Chính phủ cũng nêu rõ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.

Khoản 2 Điều 36 trong nghị định này cũng nhấn mạnh cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn