MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên vùng cao đặt nhiều kì vọng vào Luật Nhà giáo. Ảnh minh hoạ: Bảo Trung

Giáo viên đặt kỳ vọng về tiền lương khi ban hành Luật Nhà giáo

TRÀ MY LDO | 16/02/2024 18:22

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực soạn thảo Luật Nhà giáo để có thể trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2024). Nhiều giáo viên vùng cao cho rằng, khi Luật Nhà giáo được ban hành sẽ giúp khắc phục bất cập về vấn đề tiền lương, tình trạng giáo viên xin thôi việc, chuyển vùng.

Bộ luật cho một ngành lao động đặc thù

Ngồi tính nhẩm lại số tiền lương hàng tháng, cô Trịnh Thị Thư Sinh - giáo viên Trường Mầm non Nà Bai (Sơn La) ngậm ngùi khi nghĩ về đồng lương ít ỏi. Hàng tháng, số tiền lương của cô Sinh nhận về chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Dù biết tiền lương không phải là vấn đề duy nhất để giữ chân nhà giáo nhưng chứng kiến nhiều đồng nghiệp rời ngành, bỏ nghề, cô Sinh lại nặng lòng.

"Cô Sinh cũng khẳng định rằng, con đường đến với nghề giáo tuy vất vả nhưng đây chính là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý. Nhìn những đồng nghiệp xin nghỉ việc vì mức lương còn hạn chế, bản thân tôi thấy rất xót xa.

Hiện nay, giáo viên vẫn đang được điều chỉnh bởi Luật Viên chức; Luật Giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Tuy nhiên, những luật này chưa giải quyết được tính chất đặc thù trong lao động của nhà giáo. Do vậy, tôi thấy rất cần đạo luật dành riêng cho nhà giáo" - cô Sinh nhận định.

Cô Sinh cũng đánh giá, tại các vùng khó, giáo viên sẽ khá vất vả khi điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế. Vì vậy, rất cần những chính sách, đãi ngộ điều chỉnh về mức thu nhập cho các giáo viên.

"Khi Luật Nhà giáo được ban hành với các quy định cụ thể sẽ không chỉ tháo gỡ được vấn đề tiền lương mà còn là chiếc phao cứu sinh giúp các giáo viên muốn gắn bó và cống hiến với nghề. Đặc biệt, đối với những giáo viên mới ra trường, cần có nhiều chế độ để thu hút đội ngũ trẻ này" - cô Sinh hi vọng.

Kì vọng Luật Nhà giáo sớm được ban hành

Đánh giá về vai trò của Luật Nhà giáo hiện nay, cô Nông Thị Hà - giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Sùng Cháng (Cao Bằng) nhận thấy, khi Luật Nhà giáo ra đời sẽ đáp ứng được rất nhiều mong mỏi của giáo viên, đặc biệt là các giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa.

"Luật Nhà giáo là một cơ sở pháp lý quan trọng đối với đội ngũ nhà giáo. Khi Luật được xây dựng và ban hành, giáo viên sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn. Nếu có cơ chế, chính sách dành riêng cho các nhà giáo, các giáo viên sẽ tự có ý thức trách nhiệm, nâng cao tinh thần trách nhiệm, từ đó sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục" - cô Hà bày tỏ.

Ra trường và gắn bó với nghề giáo chục năm, cô Hà chỉ mong muốn Luật Nhà giáo sẽ có những quy định cụ thể, rõ ràng và sớm được ban hành để thoả lòng mong đợi của nhiều giáo viên.

"Bản thân rất mong chờ có Luật Nhà giáo. Mong muốn Luật Nhà giáo có thêm chính sách về đãi ngộ, tiền lương và các chế độ đặc thù đối với giáo viên công tác ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, cũng nên có quy định về cơ chế luân chuyển công tác cho nhà giáo giữa vùng khó và vùng thuận lợi theo thời hạn để tạo sự công bằng, thuận lợi cho các giáo viên. Đồng thời Luật Nhà giáo cũng cần có thêm quy định về việc bổ sung biên chế nhằm hạn chế được tình trạng thừa, thiếu giáo viên, đây vốn là điều mà các khu vực vùng cao đang loay hoay tìm cách giải quyết”- cô Hà bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn