MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo Trần Thị Hà My dạy môn Tiếng Anh ở 5 điểm trường, mỗi ngày phải di chuyển quãng đường xa nhưng không có chế độ hỗ trợ. Ảnh: Hưng Thơ

Giáo viên dạy liên trường, nhiều điểm trường nhưng chưa được hỗ trợ

HƯNG THƠ LDO | 15/03/2023 08:21

Công tác ở Trường Tiểu học Húc (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), một mình cô giáo Trần Thị Hà My dạy môn Tiếng Anh ở 5 điểm trường. Điểm xa nhất cách điểm chính 10km, điểm khó nhất thì cách 7km, nhưng phải đi bộ 3,5km. Để hoàn thành công việc, cô giáo phải di chuyển quãng đường nguy hiểm, nhưng không có chế độ hỗ trợ.

1 giáo viên “cõng” 5 điểm trường

Năm học này, Trần Thị Hà My (29 tuổi, trú tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) được nhận vào dạy hợp đồng ở Trường Tiểu học Húc (xã Húc, huyện Hướng Hóa). Trường hiện chỉ có 1 giáo viên Tiếng Anh. Năm học này triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Tiếng Anh trở thành môn học chính đối với học sinh lớp 3, đồng nghĩa với việc cô giáo Hà My sẽ đảm nhận dạy toàn bộ môn học này ở trường.

Ngoài điểm chính đặt ở trung tâm xã Húc, thì Trường Tiểu học Húc còn có 5 điểm trường lẻ. Điểm trường xa nhất là Cu Dong, cách trung tâm xã Húc 10km; điểm trường khó nhất là Hole, cách trung tâm xã 7km nhưng 3,5km đã bị sạt lở phải đi bộ.

Các bản làng của người đồng bào thiểu số ở xã Húc tách biệt với nhau bởi đồi núi, nên đường đi của cô giáo Hà My cũng lắm gian nan. Để đến các điểm trường, vào ngày nắng, cô đi xe máy, nơi nào khó đi thì dắt bộ. Vào ngày mưa, nửa đường đến điểm trường Hole không thể di chuyển bằng xe máy được.

“Riêng điểm trường Hole, hễ mưa là đi bộ hơn 3h mới đến nơi. Có khi đến trường, áo quần lấm lem hết vì bị ngã dọc đường” - cô giáo Hà My kể lại.

Thời tiết ở xã Húc thất thường, lúc nắng thì oi bức, lúc mưa thì dầm dề. Nhưng “chinh chiến” trên các cung đường ở đây hơn nửa năm, cô giáo Hà My dần quen, trở thành “tay lái lụa”, nên cũng dần vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt việc dạy học.

Ông Đoàn Văn Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Húc - cho biết, trường hiện chỉ có 1 giáo viên dạy Tiếng Anh, nên cô Hà My phải “gánh” luôn cả 5 điểm trường. Khó khăn, vất vả nhưng ngoài lương ra không có chế độ hỗ trợ gì thêm.

Đề nghị hỗ trợ chế độ xăng xe

Tại tỉnh Quảng Trị, hiện có 368 trường công lập với 894 điểm trường. Đặc biệt, có trường học có đến 9 điểm trường, nên giáo viên gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển từ điểm trường này đến điểm trường khác.

Bên cạnh đó, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, có nhiều môn học mới như nghệ thuật, khoa học kỹ thuật...; khối trung học phổ thông còn được lựa chọn môn học khi tuyển sinh vào lớp 10 - buộc ngành giáo dục phải bố trí giáo viên, nhân viên làm việc liên trường.

Thống kê cho thấy, hiện có hơn 800 giáo viên, nhân viên làm việc tại nhiều điểm trường. Giai đoạn 2021-2023, hằng năm có từ 150 đến 170 giáo viên, nhân viên được bố trí làm việc liên trường.

Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị - cho biết, việc giáo viên, nhân viên phải làm việc liên trường hoặc làm việc tại nhiều điểm trường sẽ gặp nhiều khó khăn, vất vả trong việc di chuyển. Tuy nhiên, Trung ương và địa phương chưa có chính sách hỗ trợ cho đối tượng trên.

“Chúng tôi đề nghị hỗ trợ xăng xe cho giáo viên và nhân viên làm việc liên trường hoặc nhiều điểm trường tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh” - bà Lê Thị Hương cho biết.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh đã đề nghị HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành Nghị quyết chính sách hỗ trợ giáo viên và nhân viên làm việc liên trường hoặc nhiều điểm trường. Nếu được thông qua, mỗi giáo viên, nhân viên làm việc liên trường hoặc nhiều điểm trường sẽ được hỗ trợ tiền xăng xe, với mức cao nhất khoảng 800 nghìn đồng/tháng và thấp nhất không quá 300 nghìn đồng/tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn