MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giáo viên dùng nhiều chiêu trò kéo học sinh học thêm

Vân Trang LDO | 07/10/2023 06:15

Nhiều giáo viên đã dùng nhiều chiêu trò để lôi kéo học sinh "tự nguyện" đăng kí học thêm.

Dạy thêm, học thêm tràn lan

Sau khi loạt bài phản ánh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan tại các trường học của Báo Lao Động được đăng tải và gây tiếng vang lớn, nhiều phụ huynh đã chủ động cung cấp thêm nhiều thông tin phản ánh việc dạy thêm, học thêm biến tướng đang diễn ra trường con em họ.

Có phụ huynh cho rằng, các trường có nhiều cách để buộc họ đăng kí kiểu "buộc phải tự nguyện". Chẳng hạn như: cố tình chèn giờ học thêm, dạy liên kết vào giờ chính khoá, học sinh không đăng kí sẽ đứng ngoài...

Mặc dù không có nhu cầu, song em Vũ Lê Minh Ngọc - học sinh lớp 10 Trường THPT Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội (tên học sinh thay đổi theo yêu cầu) - cảm thấy áp lực khi liên tục được giáo viên tư vấn, động viên đăng kí tham gia.

"Cũng có nhiều môn em không muốn đăng kí, nhưng sau buổi họp phụ huynh, cô gọi từng bạn, từng bạn lên nói, giục nộp tờ đơn đăng kí học thêm viết tay nên nhiều bạn dù chưa hỏi ý kiến bố mẹ đã đăng kí" - Ngọc nói và đánh giá, việc học thêm trên trường không hiệu quả, tốn thời gian.

Thầy Nguyễn Văn Lực - giáo viên THCS tại tỉnh Khánh Hoà - cũng bày tỏ quan điểm bất bình trước hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay. Thầy Lực cho rằng, việc học thêm, dạy thêm không xấu nhưng nếu việc này diễn ra không theo hình thức tự nguyện sẽ gây áp lực cho phụ huynh, quá tải cho học sinh.

Nhiều trường chèn giờ học thêm, dạy liên kết vào giờ học chính khoá, làm khó phụ huynh. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

"Các trường tìm cách tổ chức dạy thêm, học thêm vì để tăng thu nhập cho giáo viên nhưng là gánh nặng đối với phụ huynh. Dù có Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định về việc dạy thêm, học thêm nhưng hầu hết các trường không thực hiện vì không có sự kiểm tra xử lý triệt để của Phòng GDĐT cũng như Sở GDĐT. Nếu khi có kiểm tra, nhiều trường lập hồ sơ dạy thêm học thêm để đối phó" - thầy Lực nói.

Thầy Lực chia sẻ, từng lắng nghe nhiều phụ huynh than phiền, họ không có nhu cầu cho con học, nhưng buộc phải đăng kí vì áp lực điểm số, vì sợ thầy cô giáo không hài lòng...

"Nhiều thầy cô dùng chiêu trò để kéo học sinh đi học thêm. Chẳng hạn, học sinh nào đi học thêm sẽ làm bài điểm cao còn ngược lại không học thêm thì làm bài điểm thấp vì khi đi học thêm, thầy cô sẽ ôn dạy sát đề kiểm tra. Hay học sinh không đi học thêm khi kiểm tra bài cũ, kiểm tra thường xuyên sẽ bị "quay" với những câu hỏi làm khó học sinh. Với những cách như vậy, rất khó để học sinh từ chối học thêm" - thầy Lực thẳng thắn nói.

Chính vì những lí do trên, thầy Lực kiến nghị Bộ GDĐT cần vào cuộc quyết liệt, thanh tra, kiểm tra đồng bộ và cấm triệt để việc dạy thêm để giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh và áp lực cho học sinh.

Hàng loạt địa phương chấn chỉnh dạy thêm, học thêm

Không chỉ dạy thêm, dạy tăng cường ngoại ngữ, kỹ năng sống, giáo dục STEM... hàng loạt các khoản thu cho việc dạy học tăng cường tại một số trường học đang khiến dư luận bức xúc ngay đầu năm học mới.

Trước những biến tướng của dạy thêm, học thêm ngay đầu năm học mới, nhiều địa phương ra các văn bản nhằm chấn chỉnh tình trạng này.

Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các trường học không chèn giờ dạy liên kết vào giờ học chính khoá nếu lớp đó không đủ 100% học sinh tự nguyện đăng kí tham gia.

UBND TP Hải Phòng vừa ban hành công văn gửi Sở GDĐT, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, huyện về việc chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, phối hợp liên kết giáo dục, việc thu chi trong trường học. Địa phương này sẽ có giải pháp xử lý nghiêm những trường hợp thực hiện sai quy định việc dạy thêm, học thêm, việc liên kết giáo dục và lạm thu trong trường học.

Sở GDĐT TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ rà soát tất cả hồ sơ pháp lý các đơn vị tổ chức hoạt động ngoài giờ chính khoá gồm ngoại ngữ, kỹ năng sống, tin học.

Sở cũng sẽ tiếp tục giám sát việc sử dụng giáo viên người nước ngoài, thực hiện chế độ chính sách, liên kết giáo dục, nhượng quyền thương mại các chương trình kỹ năng sống của tổ chức nước ngoài. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị rà soát, đôn đốc việc kê khai giá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn