MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rất nhiều giáo viên dù không may trở thành F0 vẫn cố gắng duy trì các lớp học. Ảnh: NVCC

Giáo viên F0 ở Hà Nội: Dở khóc những lần xin phép học sinh không bật camera

Tường Vân LDO | 13/03/2022 12:05

Giữa những ngày Hà Nội bước vào đỉnh dịch COVID-19, một giáo viên dù khỏe mạnh cũng cảm thấy "đuối" với khối lượng công việc quá tải khi vừa dạy học vừa chống dịch. Còn với những giáo viên không may trở thành F0, việc duy trì các tiết học online càng trở nên khó khăn hơn nữa. 

Sốt, đau... vẫn dạy học

Kể từ khi biết tin trở thành F0, chưa ngày nào cô Nguyễn Thị Hoa - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Trường THCS - THPT Newton (Hà Nội) dừng công việc dù bản thân xuất hiện nhiều triệu chứng như ho, sốt, khàn tiếng, hụt hơi,.... 

Đều đặn mỗi ngày, cô bắt đầu dạy từ 7h30 và kết thúc tiết học vào lúc 16h40. Ngoài 22 tiết/tuần, cô còn dành khoảng 10 tiết dạy ngoài giờ bồi dưỡng học sinh giỏi, 4 tiết tăng cường sau giờ cho các đối tượng học sinh - bồi dưỡng đáp ứng cá thể người học chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT (chương trình này học sinh được học miễn phí).

Thời gian còn lại, cô hỗ trợ, tư vấn, đồng hành cùng phụ huynh về các vấn đề liên quan đến thi, xét tuyển đại học và nộp hồ sơ học bổng, thư giới thiệu... cho các em học sinh lớp 12.

Dù là F0, cô Hoa vẫn cố gắng duy trì các tiết học. Ảnh: NVCC 

"Thực ra, tôi và các đồng nghiệp của mình hầu như cũng không có lựa chọn nào khác vì quá nhiều người bị F0. Chỉ những trường hợp nặng: sốt cao, đau nhức nhiều, không nói được thì đành chịu; mọi người lại gồng lên hỗ trợ. Còn lại, sốt, đau, khàn tiếng bình thường sẽ vẫn dạy học.

Thời gian cách ly không phải 1,2 ngày mà kéo dài hàng tuần. Do đó, mọi sự hỗ trợ của đồng nghiệp chỉ là giải pháp tức thời chứ lâu sẽ ảnh hưởng đến mạch kiến thức, nếp học, tinh thần học của các con" - cô Hoa bày tỏ lo lắng. 

Chia sẻ về việc dạy học những ngày qua, cô Hoa cho biết, đôi lúc, cô buộc phải xin phép học trò không bật camera vì lý do cá nhân. Nhưng thực ra, là “thần thái tiều tụy” không tốt cho không khí lớp học.

"Giọng nói bị khàn, bị hụt hơi mà giảng bài, đặc biệt giảng văn cần truyền cảm - tôi là một cô giáo dạy văn, điều đó “bi kịch” lắm. Nên ngoài việc tự điều trị tích cực: xông mũi họng, súc nước muối, ngậm viên chống ho, tôi kiêng nói tối đa trong sinh hoạt thường ngày ở gia đình để dành giọng cho việc giảng bài" - cô Hoa ngậm ngùi kể. 

Suy nghĩ lạc quan để vượt qua áp lực

Trong những ngày chiến đấu với bệnh tật, cô Hoa dành thời gian điều chỉnh lại giáo án - tăng cường phần học sinh làm bài luyện tập trong những ngày đau, mệt cao điểm - thông thường là 1, 2 ngày thôi.

Trên kết quả làm việc của học sinh, cô trò cùng nhau trao đổi, hướng dẫn, rút kinh nghiệm sau cho học sinh - khi sức khỏe đã tốt hơn và cùng các con hoàn thiện kiến thức, kỹ năng của bài học.

Học trò đã gửi tới cô Hoa rất nhiều lời hỏi han, động viên, món quà tinh thần trong những ngày cô nhiễm bệnh. Ảnh: NVCC

"Tôi đã vượt qua những ngày khủng khiếp như thế để đảm bảo tốt tinh thần và chất lượng học tập của các con.

Tôi tin rằng, mỗi nỗ lực nhỏ của mình sẽ đem đến cho các con thêm chút hành trang, vững vàng thêm trên hành trình chinh phục ước mơ phía trước. Suy nghĩ đó trong mỗi giáo viên cũng là một thứ thuốc “kháng virus” đặc hiệu. Giáo viên chiến thắng Covid giỏi và nhanh lắm" - cô Hoa tự hào kể lại. 

Không chỉ cô Hoa, hàng trăm giáo viên khác đều chung tình cảnh không may trở thành F0 nhưng vẫn kiên trì bám trường, bám lớp. Bởi các thầy cô đều cho rằng, phải học trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và bất ổn như vừa qua đã là một thiệt thòi lớn với học sinh.

Và với mỗi giáo viên, quyền lợi được học tập ổn định với chất lượng tốt nhất của học trò là sự ưu tiên số 1. Đặc biệt tại thời điểm thi giữa kì 2 và chuẩn bị kết thúc năm học với nhiều kì thi quan trọng này. 

Bà Văn Liên Na - Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh cho biết, theo thống kê, tại cơ sở Thanh Trì, có đến 24 giáo viên F0, 23 giáo viên F1 (trên 50% tổng số giáo viên). Hiện nay, học sinh toàn trường vẫn duy trì việc dạy học trực tuyến để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. 

Bà Na chia sẻ, tất cả thầy cô giáo không may trở thành F0, dù mệt nhưng vẫn cố gắng vượt qua khó khăn để duy trì lên lớp.

"Các thầy cô rất thương học trò, đặc biệt là lớp 12 và lớp 9. Giáo viên chỉ bỏ 1 tiết là sốt ruột, lo đến khi đi học lại các con không theo kịp nên vẫn cố bám trường, bám lớp duy trì việc học trong điều kiện khó khăn. Qua đây, tôi cũng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của cả cô và trò trong thời gian qua" - bà Na nói.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn