MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều giáo viên mong chờ cải cách tiền lương ngày 1.7.2024. Ảnh minh họa: Phương Trang

Giáo viên hào hứng với cách tính tiền lương từ ngày 1.7.2024

TRÀ MY LDO | 03/01/2024 18:55

Dự kiến ngày 1.7.2024, lương của giáo viên sẽ có nhiều thay đổi. Nhiều thầy cô bày tỏ sự vui mừng khi có bảng lương mới.

Lương giáo viên sau khi cải cách tiền lương

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản và các khoản phụ cấp.

Trong đó, lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương); các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).

Nghĩa là lương giáo viên = Lương cơ bản (70%) + Phụ cấp (30%).

Hệ thống lương mới sẽ gồm 5 bảng lương, trong đó có 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo (trong đó có giáo viên).

Trong đó, mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc cùng mức độ phức tạp công việc có mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề. Sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.

Vui mừng với cách tính tiền lương mới

Trao đổi với Báo Lao Động về cách tính lương mới cho giáo viên, cô Trịnh Thị Thư Sinh - giáo viên Trường Mầm non Nà Bai (Sơn La) cho biết, nếu theo như cách tính lương từ ngày 1.7.2024, việc trả lương cho giáo viên là viên chức sẽ không thực hiện theo (hệ số x mức lương cơ sở) như hiện nay mà được thay thế bằng các bảng lương theo vị trí việc làm gồm một bảng lương chức vụ và một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ.

Ngoài ra, theo cô Sinh, giáo viên là viên chức sẽ được sắp xếp lại chế độ phụ cấp khi cải cách tiền lương. Tuy nhiên, dù sắp xếp lại thì cơ cấu phụ cấp của giáo viên vẫn phải chiếm 30% tổng quỹ lương.

"Thật ra, việc tăng lương cho người lao động nói chung và cho giáo viên nói riêng sẽ khiến cho mọi người vui mừng hơn. Tăng thu nhập một cách xứng đáng cũng góp phần giúp giáo viên cảm thấy yêu nghề và có động lực để cống hiến nhiều hơn" - cô Sinh bày tỏ.

Với cương vị là một nhà giáo, cô Nguyễn Thị Bích Thuỷ - giáo viên tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng đồng tình với cách tính lương cho giáo viên trong đợt cải cách tiền lương sắp tới. Cô Thuỷ mong muốn lương tăng để đảm bảo cuộc sống, song giáo viên này cũng nhìn nhận, ngoài lương, giáo viên mong muốn được làm việc trong môi trường hòa thuận, có sự tôn trọng.

"Bên cạnh vấn đề tiền lương, ngày nay, giáo viên phải đối mặt với nhiều sức ép từ xã hội, học sinh, phụ huynh. Khi tôn nghiêm của người thầy bị đánh mất, cộng thêm thu nhập thấp, nhiều giáo viên dù không muốn nhưng vẫn phải bỏ nghề. Do vậy, ngoài tiền lương, giáo viên cũng luôn mong muốn nhận được sự tôn trọng từ môi trường làm việc" - cô Thuỷ thẳng thắn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn