MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giáo viên hồi hộp chờ tăng lương lên mức cao nhất

ANH ĐỨC LDO | 20/05/2024 17:18

Theo phương án cải cách tiền lương từ 1.7, dự kiến lương giáo viên sẽ cao hơn so với mặt bằng chung, các khoản phụ cấp cao nhất trong khu vực công.

Tin tức này đã đem đến niềm vui và hi vọng cho các thầy cô giáo, đặc biệt là các giáo viên trẻ.

Cô Hoàng Thị Mai Trinh - giáo viên Trường THCS&THPT Đông Du (Đắk Lắk) - tâm sự về những khó khăn của một cô giáo trẻ, mới bước chân vào nghề vỏn vẹn chưa đầy một năm.

Cô Trinh chia sẻ, với đồng lương ít ỏi, để có đủ thu nhập trang trải cuộc sống, ngoài thời gian đi dạy tại trường, cô còn phải kiếm thêm thu nhập bằng việc đi dạy gia sư, làm cộng tác viên viết sách...

Cô Hoàng Thị Mai Trinh áp dụng nhiều thiết bị, phần mềm hiện đại để đổi mới phương pháp giảng dạy. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Các công việc này chiếm hết thời gian trong tuần, ngày nào cô cũng làm việc từ sáng đến tối. Chưa kể, việc dạy học theo chương trình mới đòi hỏi giáo viên như cô Trinh phải dành nhiều thời gian, tâm sức, tìm tòi các phương thức giảng dạy mới để thu hút học trò, nâng cao chất lượng giảng dạy...

Vì lẽ đó, khi hay tin lương nhà giáo sắp tới sẽ được chi trả theo vị trí việc làm và được ưu tiên xếp cao nhất, cô Trinh không khỏi vui mừng và hi vọng chế độ tiền lương sắp tới sẽ giúp các thầy cô giáo "sống được bằng lương".

"Việc trả lương theo vị trí việc làm sẽ giúp tôi có thêm động lực để cố gắng trong sự nghiệp trồng người" - cô Trinh nói và cho rằng, khi đồng lương đảm bảo được cuộc sống, không phải làm thêm ngoài giờ, các thầy cô sẽ toàn tâm toàn ý, tâm huyết với nghề nghiệp mà mình đang gắn bó.

Cô Nguyễn Thị Huế - giáo viên tại Hải Phòng - cũng bày tỏ niềm vui mừng khi nhắc đến cuộc cải cách tiền lương từ 1.7 tới đây.

Theo cô Huế, việc tăng lương cho nhà giáo, trả lương theo vị trí việc làm sẽ giúp giáo viên đảm bảo đời sống, tạo động lực cho các thầy cô "bám nghề"; cũng như thu hút nhân tài cho ngành giáo dục.

"Các giáo viên "già" như chúng tôi dù rất tâm huyết nhưng "lực bất tòng tâm". Chúng tôi có rất nhiều hạn chế; trong khi các bạn trẻ có những ưu việt của mình. Chúng tôi gửi gắm rất nhiều vào các thầy cô trẻ - những người có thể cập nhật phương pháp giảng dạy; áp dụng những công cụ, thiết bị hiện đại, tiên tiến vào trong các tiết học... góp phần đổi mới giáo dục hiệu quả" - cô Huế tâm sự.

Mặc dù vui mừng và trông đợi cuộc cải cách tiền lương sớm đi vào thực tiễn, cô Huế vẫn còn trăn trở với quy định bỏ phụ cấp thâm niên.

Không riêng cô Huế, câu hỏi "Bỏ phụ cấp thâm niên lương có giảm hay không?" luôn là điều khiến thầy cô công tác lâu năm trong nghề băn khoăn, trăn trở trong suốt thời gian vừa qua.

Bởi, khoản phụ cấp này này là phần thu nhập tăng thêm, cũng là sự ghi nhận công sức, sự cống hiến của nhà giáo trong suốt mấy chục năm "bám" nghề.

Chính vì vậy, các thầy cô đều kỳ vọng, Nhà nước sẽ tính toán, đưa ra phương án đảm bảo lương mới không thấp hơn lương cũ, không gây thiệt thòi cho nhà giáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn