MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều giáo viên hợp đồng đã chia sẻ tâm tư, nguyện vọng trong buổi gặp mặt, đối thoại với lãnh đạo thị xã Sơn Tây (Hà Nội).

Giáo viên hợp đồng chất vấn lãnh đạo Sơn Tây về lý do chưa xét đặc cách

Bích Hà LDO | 29/11/2019 19:42
 Ngày 29.11, lãnh đạo thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã có buổi đối thoại với công nhân, viên chức và người lao động trên toàn thị xã. Tại hội nghị, giáo viên hợp đồng đã có câu hỏi chất vấn lãnh đạo thị xã về việc tại sao đến hiện tại thầy cô chưa được xét đặc cách theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và công văn số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ.
 

Cô Đỗ Kim Huyền (giáo viên Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm, Sơn Tây) đặt câu hỏi: “Bản thân tôi là giáo viên hợp đồng công tác được 23 năm. Ở thị xã số giáo viên hợp đồng không còn nhiều ở cấp tiểu học, chỉ 19 đồng chí đều có thâm niên công tác trên 23 năm, nhưng vừa rồi chúng tôi đã bị Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây dừng hợp đồng. Tôi xin hỏi lãnh đạo thị xã có cách giải quyết nào tích cực cho chúng tôi theo công văn 5378 của Bộ Nội vụ hay không?

Chúng tôi được Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ quan tâm, đã tạo điều kiện xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 12.2015 trở về trước. Bản thân chúng tôi cũng được đóng bảo hiểm rồi, thế nhưng giờ đã bị dừng hợp đồng rồi thì chúng tôi có được xét đặc cách hay không?”.

Giáo viên đặt câu hỏi với lãnh đạo thị xã Sơn Tây về vấn đề xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng. 

Cô Huyền cũng kiến nghị các cấp lãnh đạo cần mở rộng chỉ tiêu biên chế, để giáo viên hợp đồng trên địa bàn có cơ hội được xét đặc cách.

Cô Phùng Thị Thúy Hà (giáo viên Trường THCS Xuân Khanh) cũng có băn khoăn tương tự và đề xuất thành phố cần có cách  ứng xử nhân văn với giáo viên hợp đồng ở Hà Nội.

Trả lời những câu hỏi mà giáo viên đặt ra, ông Nguyễn Huy Khánh - Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây - cho biết, có rất nhiều băn khoăn, trăn trở về vấn đề giáo viên hợp đồng.

Thời gian qua, trong quá trình giảng dạy, nhiều giáo viên hợp đồng đã có thành tích, thậm chí đạt được nhiều giải  trong các cuộc thi, được công nhận là giáo viên dạy giỏi.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, việc xét đặc cách cho giáo viên phải thực hiện theo các hướng dẫn của UBND thành phố Hà Nội. Còn việc xin thêm chỉ tiêu biên chế, thì trên cơ sở số lượng giáo viên, số lượng học sinh, số trường, lớp, sẽ nhân với hệ số giáo viên để phê duyệt chỉ tiêu biên chế. Trên cơ sở đó, thị xã phân chỉ tiêu biên chế cho từng trường.

“Việc xin thêm hay không xin thêm chỉ tiêu biên chế sẽ căn cứ vào số lớp”- ông Khánh nói và cho biết, sau 2 vòng thi của đợt  tuyển dụng viên chức vừa qua, toàn thị xã Sơn Tây đăng ký 140 chỉ tiêu biên chế, nhưng đến vòng 2 chỉ có 131 người dự thi. Như vậy sau khi thi xong, tổng số biên chế vẫn còn thiếu.

Tuy vậy, dù còn thiếu chỉ tiêu biên chế, nhưng ông Khánh không khẳng định có xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng trên địa bàn thị xã hay không, mà chỉ nói thực hiện theo hướng dẫn của UBND thành phố Hà Nội.

Trong khi nhiều địa phương trên cả nước đã thực hiện rà soát để xét đặc cách cho giáo viên theo công văn 5378 của Bộ Nội vụ, thì Hà Nội lại vẫn tổ chức thi tuyển viên chức bình thường. 

Thậm chí trong cùng một ngày 15.11, Hà Nội còn ra hai văn bản trái ngược, lúc bảo dừng tổ chức thi tuyển viên chức để xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng, lúc lại bảo vẫn thi bình thường.

Hiện giáo viên hợp đồng ở Hà Nội vẫn hết sức hoang mang, chưa rõ số phận của mình sẽ ra sao. Trong khi đó, số người bị chấm dứt hợp đồng sau hàng chục năm công tác, cống hiến  tuổi thanh xuân cho ngành giáo dục vẫn tăng lên mỗi ngày. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn