MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy Nguyễn Viết Tiến - giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã bị chấm dứt hợp đồng sau hơn 20 năm đứng trên bục giảng.

Giáo viên hợp đồng ở Hà Nội vẫn thấp thỏm chờ… xét đặc cách

Đặng Chung LDO | 08/12/2019 06:45

Lãnh đạo TP.Hà Nội “hứa hẹn” sẽ giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng trong quý I/2020, nhưng nhiều thầy cô vẫn lo lắng. Bởi thời gian qua, không ít giáo viên đã bị các trường chấm dứt hợp đồng trước khi chờ đến ngày được xét tuyển.

Chưa kịp xét tuyển, đã bị chấm dứt hợp đồng

Ngày 5.12.2019, trong kỳ họp thứ 11 khoá 15 hội đồng nhân dân TP.Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trả lời một số vấn đề nóng của Hà Nội đang được dư luận quan tâm, trong đó có vấn đề xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, trong thời gian vừa qua, thành phố đã tổ chức xong các kỳ thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo dục. Hiện còn 2.730 giáo viên hợp đồng từ 2015 trở về trước. Để đảm bảo quyền lợi cho những giáo viên này, Hà Nội đã có báo cáo với Bộ Nội vụ xin thêm chỉ tiêu biên chế và đã được đồng ý, với tổng cộng 2.692 chỉ tiêu.

"Có chậm hơn so với lời hẹn với các giáo viên hợp đồng 1 quý, nhưng chắc chắn đảm bảo quyền lợi, chính xác” – Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.

Trước thông tin này, những giờ qua, hàng nghìn giáo viên hợp đồng ở Hà Nội khấp khởi mừng. Vì từ tháng 3.2019 đến nay, thầy cô đã “gõ cửa” kêu cứu nhiều nơi trước chủ trương của thành phố là sẽ chấm dứt hợp đồng nếu không thi đỗ trong kỳ thi tuyển viên chức, dù thầy cô đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho giáo dục thủ đô.

Có điều, vui đó, nhưng giáo viên vẫn thấp thỏm lo. Bởi từ tháng 5.2019 đến nay, nhiều giáo viên hợp đồng của thành phố đã lần lượt bị chấm dứt hợp đồng, để chờ đợt tuyển dụng viên chức.

Vừa bị chấm dứt hợp đồng sau 18 năm nay đi dạy, thầy Phùng Đức Tăng (Ba Vì) đi sửa chữa điều hòa thuê cho một cửa hàng kinh doanh.

Những bàn tay vốn quen với bảng đen, phấn trắng đã phải đi làm thuê, thợ hàn xì, công nhân, giúp việc, bán hàng online để có thể duy trì cuộc sống. Ai may mắn thì xin được vào thỉnh giảng ở các cơ sở giáo dục, với tiền lương là vài chục nghìn đồng trên một tiết dạy học.

Trong thời gian chờ đợi một chính sách nhân văn với giáo viên hợp đồng của UBND TP.Hà Nội, thì họ đã bị UBND các quận, huyện đơn phương chất dứt hợp đồng.

Còn cơ hội nào cho giáo viên?

Trong số giáo viên đã bị mất việc, có nhiều người trên 20 năm cống hiến cho giáo dục. Họ đang băn khoăn, trong khi thành phố đã kết thúc đợt thi tuyển viên chức, các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu, còn có cơ hội nào cho giáo viên hợp đồng được xét tuyển đặc cách?

Thầy Nguyễn Viết Tiến - giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây (Hà Nội) chia sẻ lo lắng: “Tháng 11 vừa qua, sau khi thi tuyển, hầu hết các quận, huyện, thị xã đều hết chỉ tiêu vị trí việc làm, thì thành phố sẽ bổ sung chỉ tiêu vị trí việc làm như thế nào để xét đặc cách chúng tôi vào viên chức giáo dục của thị xã Sơn Tây?

Thành phố hẹn sẽ xét đặc cách đến quý I/2020, nghĩa là gần hết năm học mới xét, trong khi những tháng qua giáo viên hợp đồng ở thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì đã bị đơn phương chấm dứt hợp đồng hết rồi, trong khi hàng năm chúng tôi vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Vậy gần năm học bị mất việc, ai chịu trách nhiệm với giáo viên hợp đồng chúng tôi và tới đây nếu thành phố xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng theo công văn 5378 của Bộ Nội vụ, trong đó có tiêu chí đang giảng dạy trong các trường công lập, thì thành phố sẽ giải quyết với chúng tôi như thế nào để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của giáo viên hợp đồng vốn chịu thiệt thòi bấy lâu nay”.

Đồng quan điểm, nhiều giáo viên hợp đồng khác cũng cho rằng thành phố Hà Nội cần có một cơ chế thoả đáng để xét đặc cách cho giáo viên đã bị chấm dứt hợp đồng trong những tháng qua, nếu họ có chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thành phố cần ban hành tiêu chí xét đặc cách bằng văn bản, để giáo viên hợp đồng yên tâm, không lo lắng, hoang mang.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn