MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình. Ảnh: Hoàng Thùy

Giáo viên không phải nghề bình thường, nên phải được đãi ngộ

Đặng Chung LDO | 22/09/2017 10:58
Theo ông Phan Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, giáo viên không phải nghề bình thường, nên cần có chính sách để nhà giáo sống được bằng lương.

Lương nhà giáo đã cao hơn công chức, viên chức khác

Đây là thông tin Bộ Nội vụ đưa ra tại Hội thảo Giáo dục 2017 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ của Quốc hội tổ chức ngày 22.9 tại Hà Nội. Hội thảo bàn luận rất nhiều vấn đề, đánh giá về chất lượng, chương trình giáo dục phổ thông, đội ngũ giáo viên phổ thông, nâng cao quyền tự chủ trong giáo dục…

Hội thảo Giáo dục 2017 

Trong đó, vấn đề về đội ngũ giáo viên nhận được sự quan tâm đặc biệt. Việc giáo viên “chân trong chân ngoài”, phải đi làm thêm nhiều nghề để có tiền trang trải cuộc sống là một thực tế tồn tại lâu nay trong ngành giáo dục. Chưa kể cơ chế tuyển dụng giáo viên hiện nay còn nhiều nhiêu khê, có tình trạng “chạy” việc, “chạy” vào biên chế.

Nêu ý kiến về vấn đề này, đại diện Bộ Nội vụ thừa nhận việc quản lý, sử dụng giáo viên ở một số địa phương, nhất là ở cấp huyện còn hạn chế. Việc tuyển dụng giáo viên có nơi còn chưa đảm bảo đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho rằng, hiện đội ngũ giáo viên phổ thông đã được hưởng chế độ, chính sách về tiền lương cao hơn so với cán bộ, công chức, viên chức khác. Phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo cao nhất trong đội ngũ cán bộ công chức viên chức từ 30-70%, đồng thời đã được hưởng thêm phụ cấp thâm niên.

Dù vậy, Bộ Nội vụ cũng thừa nhận, tiền lương theo chế độ quy định đối với đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế của cuộc sống.

Cần sớm có Luật Nhà giáo

Theo quan điểm của bà Ngô Thị Minh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, nhà giáo là nghề đặc thù, không phải công chức, viên chức mà là nhà giáo, vì thế danh dự và chính sách tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, đãi ngộ phải có luật điều chỉnh. Bà kiến nghị cần Luật Nhà giáo để đảm bảo môi trường làm việc dân chủ, bình đẳng cả trong các cơ sở giáo dục.

Ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ của Quốc hội cũng nêu một thực tế, hàng chục năm qua, ngành sư phạm không tuyển được học sinh giỏi khiến một thời gian dài đội ngũ giáo viên ra trường chất lượng không tốt.

Ông cho rằng, giáo viên không phải nghề bình thường vì đối tượng đào tạo là con người, đòi hỏi người thầy phải có tố chất, có chuyên môn và tấm lòng. Tuy vậy cũng cần phải nâng cao chính sách đãi ngộ.

“Quan điểm của chúng tôi là cần có Luật Nhà giáo để quy định rõ vị trí, chế độ của giáo viên nói chung, kể cả công lẫn tư, sau đó mới tính tới chuyện thay đổi về chính sách của đối tượng này” – ông Bình chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn