MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên cả nước mong chờ cải cách tiền lương. Ảnh:NVCC

Giáo viên kì vọng vào chính sách cải cách tiền lương từ 1.7.2024

HẢI ĐĂNG LDO | 11/02/2024 10:21

Hàng triệu giáo viên trên cả nước đều có chung hy vọng, sau lần cải cách tiền lương từ 1.7.2024, thu nhập của họ sẽ được cải thiện. Đây là động lực để thầy cô toàn tâm toàn sức cống hiến cho nghề.

Kì vọng vào chính sách cải cách tiền lương từ 1.7.2024

Lựa chọn và theo đuổi nghề giáo, cô Hà Thị Quý, giáo viên Trường Mầm non Quang Chiểu (xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá) luôn có 1 niềm tin mãnh liệt vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Mường Lát - nơi cô Quý công tác, là huyện miền núi cao với đường biên giới dài và cũng là huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hoá. Cô Quý nhận định, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm, đầu tư, ưu tiên cho giáo dục địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất mà thầy cô phải khắc phục.

Cô Quý chia những chiếc áo ấm cho học sinh từ quỹ đồ dùng được từ thiện. Ảnh: NVCC

"Năm 2024, tôi cũng như nhiều thầy cô cắm bản đều mong muốn sẽ có những hỗ trợ về cơ sở thiết bị dạy học, đồ dùng học tập, đồ chơi cho các em học sinh được đầy đủ hơn" - cô Quý chia sẻ.

Cô Cao Thị Dương, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú - THCS xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) cũng có mong ước sang năm 2024, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, khu bán trú học sinh được quan tâm đầu tư hơn nữa, giúp cả thầy và trò được vững tin trên hành trình “bám chữ” vùng cao. Đặc biệt là chế độ động viên tinh thần để những giáo viên như cô Dương yên tâm công tác, giảng dạy tại vùng sâu, vùng xa.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú - THCS xã Nậm Ban ( huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu). Ảnh: NVCC

“Chúng tôi mong rằng, từ 1.7.2024 khi thực hiện thang bảng lương mới thì giáo viên sẽ được trả lương theo vị trí việc làm, chúng tôi sẽ thực sự sống bằng lương như ước nguyện bấy lâu nay. Góp phần ổn định cuộc sống để lo cho gia đình, con cái, không phải làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập và yên tâm công tác” - cô Dương nhấn mạnh.

Kiên trì thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới

Cô Nguyễn Thị Liên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Đắk Dục (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) lại bày tỏ mong muốn, trong năm học 2024 - 2025, nhà trường sẽ có một tập thể sư phạm đoàn kết, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ giáo dục.

Mỗi cán bộ, giáo viên của nhà trường biết rõ công việc mình phải làm, luôn có ý thức chia sẻ trách nhiệm, tích cực tham gia vào việc dạy và học.

Học sinh Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Đắk Dục (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Ảnh: NVCC

“Để đổi mới giáo dục toàn diện, chẳng điều gì quan trọng hơn thầy cô, họ chính là trụ cột quan trọng vững tay chèo lái con thuyền tri thức trên hành trình đổi mới, để vượt qua những khó khăn, tiến về bến bờ của thành công” - cô Liên nhấn mạnh.

Cô Nguyễn Thị Hải Yến chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh của nhà trường. Ảnh:NVCC

Cô Nguyễn Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Thượng Tân Lộc I (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) đánh giá, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đem đến làn gió mới cho cả thầy và trò.

Chương trình mới được xây dựng theo định hướng mở, lấy người học làm trung tâm; đề cao tính chủ động của địa phương, trường học trong việc triển khai kế hoạch giáo dục, xã hội hóa sách giáo khoa, tạo không gian sáng tạo, đổi mới cho giáo viên.

Sang năm 2024, bên cạnh công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, cô Liên mong ngành giáo dục có thêm nhiều chính sách chăm lo cho đội ngũ nhà giáo, lắng nghe, thấu hiểu những tiếng lòng của người thầy đang ngày ngày cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

"Không chỉ áp lực đổi mới đè nặng lên đôi vai của người thầy mà còn rất nhiều áp lực khác đang bủa vây lấy họ. Để những người thầy cống hiến hết mình, đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh giỏi kỹ năng, vững kiến thức… thì sẽ là chặng đường dài hơi, cần có sự chung tay của toàn xã hội" - cô Yến chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn