MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên lo lắng quy định mới về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Ảnh minh hoạ: Vân Trang

Giáo viên lo lắng quy định mới về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

TRÀ MY LDO | 23/12/2023 06:20

Giáo viên đồng tình với quyết định bỏ thi thăng hạng chức danh song cũng có những ý kiến băn khoăn về tiêu chuẩn, điều kiện xét chức danh.

Đồng tình bỏ thi thăng hạng giáo viên

Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25.9.2023 về tuyển dụng và quản lý viên chức, trong đó sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Với Nghị định này, chính thức bỏ thi thăng hạng viên chức, thay vào đó sẽ xét thăng hạng. Viên chức được đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện.

Trao đổi với Báo Lao Động, cô Dương Thị Phượng - giáo viên Trường Mầm non An Nội (Hà Nam) rất vui mừng khi giờ đây, giáo viên chỉ cần tham gia vào xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

"Sau khi bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và giữ xét thăng hạng, nhiều viên chức, đặc biệt là đội ngũ giáo viên rất hưởng ứng, ủng hộ cao quyết định này" - cô Phượng chia sẻ.

Chia sẻ về lí do ủng hộ việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, cô Phương nêu ý kiến: "Một cuộc thi nào khi tổ chức cũng mất rất nhiều các chi phí, ngoài ra, việc thí sinh ôn thi, đi lại để tham gia kì thi cũng rất vất vả và tốn kém. Theo tôi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ giúp thầy cô giảm bớt áp lực, yên tâm công tác làm việc" - cô Phượng thẳng thắn nói.

Vẫn còn những băn khoăn

Bên cạnh ý kiến đồng tình với việc xét thăng hạng giáo viên, một số giáo viên bày tỏ sự lo lắng về quy định mới của xét thăng hạng giáo viên. Cụ thể, theo quy định, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp sẽ tổ chức xét thăng hạng.

"Theo tôi được biết, trong Nghị định 85/2023/NĐ-CP, việc thăng hạng giáo viên sẽ giao cho cơ sở theo chủ trương phân cấp, phân quyền. Bản thân tôi rất lo lắng, nếu việc xét thăng hạng tập trung chủ yếu vào người đứng đầu đơn vị tổ chức liệu có đảm bảo được tính khách quan, công bằng cho các giáo viên hay không" - một cô giáo tại Hà Tĩnh lo lắng.

Theo giáo viên này, giả sử, nếu hiệu trưởng là người được giao quyền hạn để xét thăng hạng cho giáo viên sẽ xảy ra nhiều ý kiến trái chiều: "Nếu cá nhân nào được hiệu trưởng ưu ái thì sẽ dễ dàng được xét thăng hạng hơn các giáo viên khác. Trong khi các giáo viên khác lại đầy đủ các yếu tố để xét thăng hạng, như vậy rất thiệt thòi" - cô giáo này trăn trở.

Trước ý kiến này, cô Nguyễn Thị Hồng - giáo viên mầm non tại Quảng Ninh lại khẳng định, người đứng đầu tổ chức xét thăng hạng không thể nào làm sai lệch quy định về tiêu chuẩn hay điều kiện xét duyệt.

"Trong Nghị định sẽ có những tiêu chuẩn, điều kiện liên quan tới việc xét thăng hạng rất chặt chẽ. Bản thân tôi nhận thấy, khi có những quy định cụ thể, rõ ràng, nhất là việc không tập trung quá nhiều quyền hạn cho người đứng đầu cơ sở giáo dục, các giáo viên sẽ cảm thấy yên tâm hơn phần nào.

Do đó, tôi mong muốn khi tổ chức xét thăng hạng sẽ có một hội đồng giám sát, theo dõi quy trình nhằm đảm bảo tính minh bạch, tránh điều tiêu cực, ảnh hưởng tới quyền lợi các giáo viên" - cô Hồng hi vọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn