MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giáo viên mong sự kiện Gạc Ma sớm được đưa vào nội dung giảng dạy

Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa) LDO | 14/03/2023 06:29

Trận hải chiến Gạc Ma ngày 14.3.1988 mãi đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Dù vậy, trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành, sự kiện này chưa được đề cập đến.

Ngày 14.3.1988, đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) của Việt Nam đã bị đánh chiếm. Những ngày này hàng năm, nhiều câu chuyện hy sinh của 64 chiến sĩ bảo vệ đảo Gạc Ma, bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc được kể lại. Nhiều hoạt động tưởng niệm được diễn ra để giáo dục các thế hệ mai sau ý thức được trách nhiệm bảo vệ đất nước và mãi ghi nhớ công ơn của các anh đã ngã xuống.

Học sinh dâng hương lên các liệt sĩ ở Khu tưởng niệm Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: Nguyễn Văn Lực

Điều đáng tiếc, sự kiện này chưa được nhắc tới trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành.

Về mặt thời gian, trận hải chiến Gạc Ma diễn ra cách đây 35 năm (14.3.1988-14.3.2023) - đủ để ghi vào biên niên sử của dân tộc, đảm bảo về mặt thời gian cho một sự kiện để đưa vào chính sử dạy học cho học sinh, bảo đảm tính giá trị khoa học lịch sử, tính nhân văn. Hy vọng nội dung này ít nhất được bổ sung kịp thời vào tư liệu sách giáo khoa hiện hành trong khi chờ đợi thể hiện trong Chương trình giáo dục 2018.

Về mặt pháp lý, chúng ta đủ bằng chứng lịch sử pháp lý về chủ quyền và quyền chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là một bộ phận của nước Việt Nam đã được Công ước về Luật biển quốc tế thừa nhận. Nên mọi hoạt động của chúng ta diễn ra trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là hợp pháp, hợp lý trong quá khứ, hiện tại, và tương lai.

Về mặt lịch sử, đây là một trận hải chiến bảo vệ Tổ quốc nói chung, biển đảo nói riêng, có ý nghĩa như những trận hải chiến oanh liệt trong lịch sử dân tộc đã diễn ra trên sông Bạch Đằng thời cha ông ta chống giặc ngoại xâm của Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo. Đưa sự kiện Gạc Ma vào trang sử để thế hệ mai sau thấy rằng đây là hành động bảo vệ quyền và chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của ông cha ta.

Về đạo lý, sự hy sinh của 64 chiến sĩ ở đảo Gạc Ma minh chứng cho truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc ta, sẵn sàng hy sinh máu xương cho Tổ quốc được trường tồn mà tất cả người dân đất Việt cần ghi nhớ. Từ đó, phát huy giá trị truyền thống yêu nước; giúp các thế hệ sau hiểu được đầy đủ hơn về sự chiến đấu hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ hải quân Việt Nam trong cuộc chiến chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc.

Thực tế, hiện nay trong Chương trình giáo dục phổ thông 2006, sách giáo khoa Lịch sử lớp 9 trong giai đoạn lịch sử  từ năm 1975 đến năm 2000, rất tiếc chưa có dòng nào nói về cuộc chiến bảo vệ Trường Sa và Hoàng sa, trận hải chiến Gạc Ma ngày 14.3.1988.  

Việc đưa sự kiện Gạc Ma vào giảng dạy trong Chương trình giáo dục phổ thông là hợp lý. Có như vậy, sự hy sinh của 64 chiến sĩ ở đảo Gạc Ma mãi không bao giờ phai trong lòng mọi người, cũng là để thắp nén tâm hương tri ân sự hy sinh của các anh vào ngày 14.3 hàng năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn