MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bước sang năm học mới, nhiều giáo viên mong ước sống được bằng lương. Ảnh: Hải Nguyễn

Giáo viên mong ước gì cho năm học mới?

Nguyễn Văn Lực - Trường THCS Trịnh Phong (Khánh Hoà) LDO | 15/08/2023 08:42

Trước thềm năm học mới, giáo viên có mong ước được sống bằng lương, học sinh chăm ngoan, học giỏi,...

Mong ước học trò chăm ngoan

Khi năm học mới sắp bắt đầu, nhiều người hỏi giáo viên chúng tôi có mong ước gì trong năm học mới này? Không ngập ngừng, tôi và tất cả thầy cô giáo trên khắp mọi miền đất nước chắc có cùng chung câu trả lời: “Đối với giáo viên, mong muốn lớn nhất vẫn là có nhiều học sinh học giỏi, chăm ngoan”.

Học giỏi, chăm ngoan mà cụ thể chính là mong muốn học sinh giỏi, vững về kiến thức, thực hiện thành thạo: Tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác,… (10 năng lực); Chăm ngoan thể hiện ở sự lễ phép, vâng lời, biết kính trọng thầy cô, thuần thục: Yêu nước, nhân ái,… (5 phẩm chất). Đó chính là mục tiêu yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến.

Song hiện nay vấn nạn bạo lực học đường vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong xã hội và làm ảnh hưởng lớn đến môi trường học đường. Ngành giáo dục cần chú trọng để các em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui", được học tập, phát triển trong môi trường an toàn.

Mong ước sống được bằng lương

Việc tăng lương cơ bản từ ngày 1.7.2023 chỉ là sự động viên tinh thần thầy cô, bởi thực tế số tiền tăng đó không theo kịp nhịp điệu tăng giá của hàng hóa, cùng với nhu cầu đời sống ngày càng cao.

Có 37 năm giảng dạy và sắp được nghỉ hưu theo chế độ nhưng tài sản của tôi chỉ là ngôi nhà cấp bốn xây trên miếng đất nhỏ do cha mẹ vợ cho. Việc tích lũy tiền lương hàng tháng để mua đất cất nhà chỉ là ước mơ xa vời của giáo viên. Bởi vậy, mong ước chung của thầy cô là được trả lương theo vị trí việc làm, áp dụng mức lương mới. Điều này sẽ giúp thầy cô có cuộc sống đỡ vất vả hơn trong năm học, có thể sống được bằng lương, không phải làm thêm nhiều nghề "tay trái" như bán hàng online, làm gia sư…

Mong ước miễn học phí cho học sinh

Hầu hết thầy cô nào cũng có con ở tuổi đi học, phải lo nhiều khoản chi phí đầu năm: Áo quần, sách vở, học phí…

Nếu được, các địa phương nên miễn học phí cho học sinh để giảm bớt gánh nặng chi phí đầu năm của phụ huynh. Năm học 2023 - 2024, một số địa phương thực hiện miễn học phí cho học sinh như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu. Chính sách miễn giảm học phí sẽ có tác động trực tiếp đến sự phát triển lâu dài cho nền giáo dục. Học sinh không phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí, tất cả trẻ em đều được đến trường từ chính sách nhân văn này. Hy vọng ngày càng có nhiều địa phương thực hiện miễn học phí cho học sinh.

Mong ước học sinh có tủ sách dùng chung

Việc thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa là xu hướng tất yếu, thuận lợi cho thầy cô và học sinh trong việc lựa chọn sách giáo khoa để giảng dạy và học tập. Tuy nhiên với nhiều bộ sách giáo khoa cũng có một số hạn chế nhất định, khi mỗi năm đều phải chọn sách giáo khoa dẫn đến việc bộ sách trường A chọn khác trường B; sách địa phương A khác sách địa phương B. Việc này có thể gây lãng phí về sách giáo khoa mỗi khi học sinh chuyển trường, chuyển địa phương.

Do vậy, mỗi trường cần có một tủ sách dùng chung để cho học sinh khó khăn mượn sách mà không phải mua bộ sách mới, sách khác để học.

Bên cạnh đó, tôi hy vọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét việc giao cho mỗi trường quyền tự chọn sách giáo khoa. Bởi việc chọn bộ sách phù hợp rất quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy, học tập. Thầy cô sẽ là người lựa chọn đúng nhất, phù hợp với năng lực, phẩm chất của học sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn