MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nữ giáo viên mong nghỉ hưu ở tuổi 55. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Giáo viên nghỉ hưu ở độ tuổi nào là phù hợp?

Phan Liên LDO | 28/03/2023 06:26

Tuổi nghỉ hưu của giáo viên đang là vấn đề được quan tâm. Nhiều nữ giáo viên bày tỏ mong muốn được nghỉ hưu ở độ tuổi 55 như quy định cũ.

Với nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, cô Phạm Hằng, Phó Trưởng Khoa Phụ Trách Khoa Kinh tế, Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội chia sẻ, bản thân mỗi nhà giáo luôn mong mình mãi được đứng trên bục giảng để truyền tải kỹ năng, kiến thức cho học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, từ tuổi 50 trở đi, sức khỏe các thầy cô bắt đầu suy giảm. Đặc biệt do tính chất công việc giáo viên thường xuyên phải nói và đứng lớp nên ảnh hưởng nhiều đến xương khớp và hệ hô hấp.

"Tôi năm nay bước sang tuổi 50 đã cảm nhận được sức khỏe không còn được như trước, đứng lâu tê chân, hay ho, đau đầu, nói bị hụt hơi,..." - cô Hằng chia sẻ.

Giáo viên này cho rằng, nghề giáo là ngành đặc thù. Mỗi nhà giáo luôn cần sự vận động, phát triển. Việc liên tục phải cập nhật các kiến thức mới, nắm bắt tâm lý của giới trẻ gây khó khăn không nhỏ cho các giáo viên lớn tuổi. Đôi khi khiến các thầy cô cảm thấy bản thân trở nên lỗi thời, lạc hậu.

"Tuổi càng cao, cơ thể sẽ kéo theo sự trì trệ, kém phát triển, chất lượng giáo dục khó được nâng lên. Nên để giáo viên làm việc và nghỉ hưu ở độ tuổi 55 như trước đây" - cô Hằng nói và khẳng định, phần đa giáo viên có mong muốn được về hưu sớm không phải về hết yêu nghề, không muốn truyền đạt kiến thức cho thế hệ học sinh sau mà vì quy luật của tự nhiên đến tuổi thì cần được nghỉ ngơi.

Cô Vy Thị Hà Vy - giáo viên Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, Nghệ An cũng có nguyện vọng giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên nữ là 55 tuổi, đối với giáo viên nam là 60 tuổi.

"Với kiến thức không phải là vấn đề gây khó khăn cho chúng tôi nhưng những giáo viên lớn tuổi, việc tiếp cận công nghệ thông tin sẽ vất vả hơn so với lớp trẻ trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục. Phụ huynh và học sinh, đặc biệt là cấp tiểu học và mầm non luôn thích các cô giáo trẻ, năng động hơn" - cô Hà Vy tâm sự.

Mặt khác, theo cô Hà Vy, giáo viên càng lớn tuổi thì thâm niên càng cao. Nếu so sánh với giáo viên ra trường, lương các thầy cô có thâm niên cao gấp 2-3 lần. Trong khi đó, chương trình giáo dục ngày càng đổi mới, việc cập nhật chương trình, xây dựng tiết học sáng tạo theo sẽ là khá khó đối với những giáo viên lớn tuổi.

"Giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu 55 đối với nữ như trước kia tạo cơ hội cho những giáo viên trẻ mới ra trường. Từ đó, trẻ hoá đội ngũ nhà giáo, nâng cao chất lượng đào tạo" - cô Vy chia sẻ.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Hưng, giáo viên Trường THPT Kiến An, Hải Phòng luôn mong muốn giáo viên được về hưu ở tuổi 55 như quy định cũ.

"Chúng tôi luôn mong muốn được về hưu ở tuổi 55, sợ khi nhiều tuổi hơn vẫn đứng ở bục giảng, học trò không còn hứng thú với những tiết học, không thích cô giáo lớn tuổi. Bao nhiêu năm cống hiến cho nghề mà cuối cùng cả cô và trò đều phải miễn cưỡng thì rất buồn. Hơn hết, cũng cần nhường lại bảng phấn cho các thầy cô giáo trẻ" - cô Hưng bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn