MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên nhận định: Bài thi tổ hợp KHXH đợt 2 “dễ thở” hơn đợt 1. Ảnh: Hải Nguyễn

Giáo viên nhận định: Đề thi tổ hợp KHXH đợt 2 “dễ thở” hơn đợt 1

Hà Vân LDO | 07/08/2021 15:00

Sáng 7.8, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2 đã hoàn thành bài thi tổ hợp KHTN, hoặc bài thi tổ hợp KHXH tùy theo đăng ký. Kết thúc môn thi, nhiều giáo viên nhận xét đề thi tổ hợp KHXH đợt 2 tương đối "dễ thở" so với đợt 1.

Đề thi môn Sử đợt 2 “dễ thở” hơn đề thi đợt 1

Đó là lời nhận định của cô Đặng Ngọc Tú, Trường THPT Kim Liên, Hà Nội. Lí giải về quan điểm trên, cô Tú cho rằng đề thi lần này tường minh hơn so với đợt 1. Cụ thể, câu hỏi rõ ràng, khoa học và đi thẳng vào nội dung cần trả lời nên học sinh sẽ thuận lợi hơn khi làm bài.

Về cấu trúc, đề thi lần 2 bám sát cấu trúc, ma trận như đề minh họa và đề thi lần 1 với 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Trong đó những câu hỏi ở mức độ nhận biết rất phù hợp với học sinh phổ thông, phương án đúng được thể hiện rất rõ và khác biệt hẳn so với các phương án còn lại.

Tuy nhiên, từ câu 36-40 đề đã có sự phân hoá để dành cho học sinh giỏi nắm chắc kiến thức. Nội dung kiến thức cơ bản, bám sát sách giáo khoa. Các câu hỏi chỉ xoay quanh kiến thức cơ bản lớp 11,12 và đòi hỏi sự liên hệ, tổng hợp xâu chuỗi kiến thức như ở câu 39-40 của mã 315.3.

Tuy nhiên, do bối cảnh của cuộc thi lần 2 khác lần 1 nên nhìn chung đề Sử lần 2 “dễ thở” hơn lần 1. Với những lí do trên, có thể dự đoán đề lần 2 sẽ nhiều điểm cao hơn lần 1.

Đề thi môn GDCD: dự đoán điểm trung bình trên 8 điểm

Cô Phạm Thanh Huyền, Trường THPT Hoàng Cầu, Hà Nội cho rằng, đề thi môn GDCD đợt 2 có cấu trúc tương đương đề thi lần 1 và phù hợp với đề thi minh họa của Bộ GDĐT. Cụ thể, nội dung kiến thức cơ bản, nằm chủ yếu trong chương trình lớp 12 (36 câu), lớp 11 (4 câu ở mức độ kiến thức nhận biết, thông hiểu).

“Học sinh chỉ cần nắm chắc phần kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể dễ dàng đạt điểm 8,9 thậm chí điểm 10. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và dịch bệnh, tỉ lệ điểm 10 có thể không nhiều như đợt 1” - cô Huyền nhận xét.

Về các câu hỏi tình huống, cô Huyền nhận định, đề thi có nhiều câu hỏi tình huống dài, nhưng không khó, học sinh chỉ cần cẩn thận đọc đề là có thể làm được.

Nói thêm về các câu tình huống, yêu cầu của câu hỏi thì không khó, vì đặc thù của kiến thức pháp luật là kiến thức rất rõ ràng. Với câu vận dụng, người ra đề buộc phải xây dựng những câu đề dẫn nhiều tình tiết nhằm gây nhiễu, nên nếu học sinh không đọc kĩ đề, phân tích từng hành vi của các nhân vật, không nắm chắc các đơn vị kiến thức thì dễ bỏ sót dữ kiện dẫn đến sẽ lựa chọn sai đáp án.

Cùng quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Nguyên, Trường THPT Quế Võ số 3, Bắc Ninh nhận xét đề thi không ra vào các phần tinh giản theo công văn 3280. Kiến thức lớp 12 phổ rộng cả năm học và kiến thức lớp 11 tập trung vào 3 bài đầu kỳ I (phần Công dân với Kinh tế).

Về cấu trúc, đề thi GDCD đợt 2 gồm 90% lớp 12 (36 Câu); 10% lớp 11 (04 câu). Trong đó, 50% ở mức độ nhận biết, 25% ở mức độ thông hiểu, 15% ở mức vận dụng và chỉ có 10% thuộc nhóm vận dụng cao.

“Nhìn chung các câu hỏi nhận biết và thông hiểu khá cơ bản, các câu tình huống gần gũi với thực tế cuộc sống, mang tính thời sự, tuyên truyền ý thức phòng chống dịch COVID-19. Câu hỏi dễ và trung bình chiếm khoảng 75%, có một số câu hỏi khó phân hóa được học sinh. Đề vừa sức với học sinh, phù hợp cho học sinh xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học trong bối cảnh hiện tại của đất nước” – cô Nguyên cho biết.

Với đề này, cô Nguyên dự đoán điểm trung bình sẽ đạt trên 8 điểm. Những thí sinh nắm vững kiến thức và làm bài cẩn thận có thể đạt điểm 10.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn