MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm học 2021-2022, một số môn học tích hợp sẽ lần đầu áp dụng ở lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Tường Vân.

Giáo viên nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong dạy học tích hợp liên môn lớp 6

Vân Trang LDO | 27/09/2021 21:44

"Thay đổi, sáng tạo, nỗ lực" chính là bộ từ khóa vàng của nhiều thầy cô đang trực tiếp giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là môn học lần đầu xuất hiện ở lớp 6 - môn Khoa học tự nhiên.

Vừa dạy vừa nghiên cứu

Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 6 trên cả nước chính thức bước vào đổi mới chương trình, học sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt, đây là lần đầu học sinh và giáo viên THCS được tiếp cận với môn học tích hợp - Khoa học tự nhiên nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu.

Là giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6, cô Lê Thị Thủy (Đông Sơn, Thanh Hóa) cho biết, nội môn học tích hợp khá "nặng", buộc giáo viên phải nỗ lực tìm tòi và xây dựng bài giảng thích hợp nhất.

"Kiến thức trong sách mới nhìn có vẻ nhẹ nhưng thực tế giảng dạy rất nặng. Việc truyền đạt hết nội dung bài giảng cho học sinh sẽ gặp khó, dẫn đến tình trạng học sinh bị áp lực bởi kiến thức nhiều, giáo viên thêm môn, thêm tiết nên vất vả. 

Chiếu theo chương trình cũ, phân môn Sinh học liên kết nội dung dạy của chương trình lớp 6 và lớp 7; phân môn Hóa cũng liên kết chương trình lớp 6 với lớp 8. Nếu giáo viên không tìm hiểu sâu, không nghiên cứu bài giảng kỹ thì học sinh khó có thể tiếp cận được kiến thức" - cô Thủy cho biết.

Giáo viên này cũng nhận định, quá trình dạy và học môn tích hợp sẽ còn nhiều khó khăn, vì vậy giáo viên cần nỗ lực hết mình, vừa dạy vừa nghiên cứu, đảm bảo truyền tải kiến thức đến học sinh theo mục tiêu đã đề ra.

Đồng tình với quan điểm trên, cô Đỗ Thị Thanh Tuyền (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, hiện nay giáo viên phải thay đổi suy nghĩ, cách tiếp cận kiến thức và hình thức truyền đạt bài học đến học sinh.

"Trước đây, giáo viên quen hình thức trình bày dài dòng, cố gắng xây dựng nhiều dạng bài tập và phải truyền tải nhiều kiến thức nhất. Hiện nay, mục tiêu bài giảng đã thay đổi, buộc giáo viên phải đổi mới cách tiếp cận và truyền đạt nội dung cho học sinh. Giáo viên phải tư duy, nghiên cứu và sáng tạo rất nhiều trong quá trình giảng dạy" - cô Tuyền bày tỏ.

Tích cực xây dựng giáo án bài bản, khoa học

Để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới, theo cô Tuyền, giáo án là nhân tố quan trọng hàng đầu, các trường học phải tích cực xây dựng giáo án bài bản, khoa học và đúng tinh thần.

"Tại đơn vị tôi công tác, giáo án được soạn theo một khung chung và từ đó các thầy cô có sự điều chỉnh về từng lớp cho phù hợp với năng lực, khả năng của từng học sinh.

Đặc biệt, chúng tôi rất tích cực đổi mới sinh hoạt chuyên môn. Trước đây, 2 tuần mới có 1 buổi sinh hoạt, nhưng hiện nay, chúng tôi sinh hoạt nhóm chuyên môn vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần để đưa ra phương hướng giảng dạy trong tuần mới, giúp tất cả thầy cô xác định rõ mình sẽ dạy những gì, dạy như thế nào, số tiết ra sao. Đồng thời, các thầy cô có khó khăn gì sẽ được đưa ra thảo luận chung để tìm phương án xử lý" - cô Tuyền thông tin.

Cô Phạm Thùy Dung (Thanh Trì, Hà Nội) cũng cho rằng, để chương trình mới phát huy ưu điểm, thầy cô phải nỗ lực hết sức trong việc xây dựng kế hoạch bài giảng, đổi mới phương pháp giảng dạy và phối hợp chặt chẽ với nhau.

"Trường tôi soạn giáo án theo nhóm. Ví dụ, khối 6 có 3 người phụ trách bộ môn Khoa học tự nhiên, hàng tuần, 3 thầy cô sẽ họp nhóm, xác định nội dung trọng tâm bài giảng là gì, cần truyền tải những gì đến học sinh để các con hiểu bài nhất.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng trao đổi về phương pháp, kỹ thuật dạy học, cùng nhau chia sẻ các công cụ dạy học hiện đại. Đồng thời, hỗ trợ lẫn nhau trong thiết kế bài giảng để các con hứng thú hơn khi học trực tuyến. Chúng tôi cũng xác định, sáng tạo trong giảng dạy chính là chìa khóa vàng để thầy cô truyền cảm hứng học tập đến học sinh" - cô Dung chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn