MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên luôn phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Giáo viên phải chịu nhiều lời cay nghiệt khi lỡ tay đánh, phạt học sinh

Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa) LDO | 30/09/2022 06:43

Với nhiều năm công tác trong nghề, thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa đã có trải lòng về những áp lực mà nhà giáo phải đối mặt hiện nay. Báo Lao Động xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết của thầy Nguyễn Văn Lực. 

Liên quan đến vụ thi thể cô giáo được phát hiện tại một bãi đất trống sau nhiều ngày mất tích ở Bình Định, lực lượng chức năng phát hiện một tờ giấy nghi "thư tuyệt mệnh" do cô giáo để lại.

Vụ việc đang được cơ quan điều tra để làm sáng tỏ. Nhưng điều mà cô P ghi lại: “Sau những áp lực công việc mà giáo viên phải làm như lên lớp, giảng dạy, chủ nhiệm, kế hoạch bài dạy, ra đề thi, chấm kiểm tra, ráp phách và sau cùng so điểm…” thì không cần phải bàn vì đó là thực tế hiện nay, khi giáo viên luôn phải đối mặt với rất nhiều áp lực. 

Áp lực hành chính

Ngoài việc “soạn, giảng, chấm, trả”, giáo viên phải gánh một núi công việc khác với vô số phong trào kế hoạch, hồ sơ sổ sách phải tham gia thực hiện: sổ chủ nhiệm, sổ đầu bài, sổ họp, sổ báo giảng; sổ dự giờ… Giáo viên được yêu cầu phải ghi chép đầy đủ tỉ mỉ cẩn thận các loại sổ sách, giấy tờ trong khi hiện nay, toàn ngành giáo dục đã thực hiện chuyển đổi số.

Về phong trào thì có đủ các cuộc thi: thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách giỏi, làm đồ dùng dạy học, hội thi khoa học kỹ thuật, dự giờ, thao giảng, hội giảng, kế hoạch giáo dục giáo viên, kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, kế hoạch dạy học…

Những công việc hành chính này đã lấy đi không ít thời gian của giáo viên, còn thời gian đâu để tập trung chuyên môn giảng dạy cho có chất lượng. Hệ lụy là không ít giáo viên làm với tâm thế đối phó, làm chỉ để kiểm tra.

Áp lực về quản lý

Nếu trường có hiệu trưởng là người có tâm có tầm cùng biết chia sẻ với giáo viên, động viên, quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần thì giáo viên còn có động lực để cống hiến, còn niềm vui để đến trường.

Ngược lại hiệu trưởng chỉ biết lấy quyền lực của mình, độc đoán, chuyên quyền luôn buộc giáo viên phải thực hiện theo mệnh lệnh thì giáo viên chỉ biết làm theo như một người “thợ dạy” giả vờ ‘không biết, không nghe, không nói” là vậy.

Xuất phát từ thực tế này thầy cô rất mong muốn hiệu trưởng phải được tuyển chọn qua thi tuyển để hiệu trưởng xứng đáng là linh hồn, đầu tàu trong mỗi ngôi trường.

Áp lực từ phụ huynh

Phụ huynh khi cho con đến trường đều mong muốn con mình được trưởng thành về phẩm chất năng lực, điều này là chính đáng. Tuy nhiên, không ít phụ huynh vì quá kỳ vọng vào nhà trường, thầy cô nên khi con không đạt được kết quả như mong muốn thì có nhận xét không công bằng về thầy cô, cho rằng thầy cô dạy dở, năng lực chuyên môn kém…, còn nếu thầy cô đôi khi thiếu kiềm chế lỡ tay đánh, véo, phạt… thì phải hứng chịu nhiều lời cay nghiệt hơn. Do vậy một số thầy cô thực hiện phương châm “mặc kệ nó” không khéo rước họa vào thân.

Với những áp lực như vậy giáo viên còn đâu thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí để tìm niềm vui hạnh phúc.

Tại buổi hội thảo với chủ đề “Chọn yêu thương - Chọn hạnh phúc” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 24 và 25.9 tại Đà Nẵng, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục Đào tạo nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của người hiệu trưởng trong việc tạo dựng nên những ngôi trường hạnh phúc.

“Hiệu trưởng là người sẽ là tạo ra ngôi trường ở đó giáo viên, học sinh được sáng tạo, được tôn trọng. Cả nước hiện có gần 30 nghìn hiệu trưởng trường phổ thông, khi hiệu trưởng hạnh phúc sẽ tạo ra môi trường tốt cho hơn 800 nghìn giáo viên phổ thông, giáo viên sẽ tạo hạnh phúc cho trên 16 triệu học sinh, học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh, cứ như thế, điều tốt, điều thiện sẽ tăng lên và lan tỏa trong xã hội”.

Như vậy thực chất của trường học hạnh phúc là ở đó mọi người luôn quan tâm, chia sẻ với nhau, quan tâm đến môi trường sư phạm và để mỗi giáo viên sẽ là người gieo mầm cho ngôi trường hạnh phúc thì giáo viên phải trước hết là người hạnh phúc.

Việc cô P ra đi mãi mãi, thật là đau xót, tiếc thương trong đồng nghiệp nhưng đó cũng là hồi chuông cảnh báo đến các cấp lãnh đạo ngành giáo dục cần quan tâm thật sự về đời sống vật chất tinh thần, tâm tư tình cảm, công việc của giáo viên để giáo viên cảm nhận mỗi ngày đến trường là hạnh phúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn