MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những câu chuyện nóng trong giáo dục thời gian qua đều bắt nguồn từ việc giáo dục quyền uy, áp đặt, chưa tôn trọng học sinh.

Giáo viên phải giữ hình ảnh, danh dự “người thầy”, luôn “tự soi”, “tự sửa”

Đặng Chung LDO | 10/05/2018 20:46

Sau những vụ việc giáo viên bạo hành học sinh, dùng lối giáo dục quyền uy, áp đặt lên học trò, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ra Chỉ thị tăng cường quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo, nâng cao vấn đề dân chủ trong trường học.

Chỉ thị nêu rõ, các Sở GDĐT có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo, quy chế làm việc và quy tắc ứng xử của các đơn vị tới tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động và người học; phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng và tập huấn cho giáo viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức.

Đối với các cơ sở đào tạo giáo viên, người đứng đầu ngành Giáo dục yêu cầu rà soát, cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, hình thức đào tạo; gắn yêu cầu kiến thức, nghiệp vụ sư phạm với năng lực, phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên và yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các trường sư phạm phải tăng cường tổ chức các chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, thực hành, thực tập để rèn các kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm và bồi dưỡng đạo đức nhà giáo cho sinh viên sư phạm.

Đối với những trường hợp giáo viên vi phạm, tùy theo mức độ và quy định của pháp luật liên quan, tạm dừng việc giảng dạy, bố trí làm công việc khác để chờ xử lý, hoặc xem xét đưa vào diện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động.

 

Đặc biệt, đối với giáo viên, Bộ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu phải khắc phục tình trạng quản lý, giáo dục “quyền uy”, áp đặt đối với học sinh. Các thầy giáo, cô giáo phải có ý thức và trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự “người thầy”, luôn “tự soi”, “tự sửa” mình….

Trước đó trong chuyên đề "Tiếng kêu cứu của những đứa trẻ" đăng trên Lao Động đã chỉ rõ những câu chuyện nóng trong giáo dục thời gian qua đều xuất phát từ lối giáo dục quyền uy, kỷ luật áp đặt, chưa tôn trọng học sinh.

Thầy cô dùng quyền uy của mình để trách phạt, bạo hành, xâm hại, kỷ luật trẻ. Cha mẹ dùng quyền lực để áp đặt, ép trẻ đi theo con đường mình đã lập trình sẵn.

Chính lối giáo dục áp đặt lên học sinh đã gây ra sự mất dân chủ trong trường học và cũng là nguồn cơn của những vụ bạo lực học đường, khiến trẻ bị xâm phạm các quyền ở ngay trong môi trường vốn được xem là nhân văn và an toàn nhất như trường học. Bài báo kiến nghị, đã đến lúc toàn ngành giáo dục cần thay đổi, bỏ ngay tư duy giáo dục theo kiểu áp đặt lên học trò, hãy lấy sự tôn trọng học sinh làm nguyên tắc trong giáo dục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn