MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giáo viên trăn trở chuyện tư vấn học sinh thi vào lớp 10

Anh Đức LDO | 15/05/2024 10:43

Hiện nay, việc định hướng, phân luồng học sinh sau bậc THCS được nhiều nhà trường triển khai. Tuy nhiên, nhiều giáo viên lo ngại, phụ huynh học sinh sẽ hiểu sai mục đích của việc này.

Mùa tuyển sinh vào lớp 10 đến gần cũng là lúc nhiều thông tin về việc các nhà trường, giáo viên ép học sinh không thi vào lớp 10 lại được lan truyền.

Lá đơn xin phụ huynh học sinh xin cho con không thi lớp 10 xuất hiện trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Chia sẻ quan điểm của mình, cô Nguyễn Thị Ngọc (tên đã thay đổi theo yêu cầu của nhân vật) - giáo viên THCS tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh - cho rằng, điều này xuất phát từ khâu hướng nghiệp cho các em của các trường THCS chưa thật sự rõ ràng, gây ra sự hiểu lầm giữa phụ huynh và giáo viên, nhà trường.

Cô Ngọc cho biết, ngay tại đơn vị cô đang công tác, với những em có học lực yếu, không đủ khả năng thi vào lớp 10 công lập, nhà trường sẽ tổ chức một buổi họp phụ huynh của những em này để giải thích, động viên và tư vấn hướng đi phù hợp. Thay vì thi vào lớp 10 công lập, các em có thể lựa chọn học tại các trung tâm GDTX, các trường THPT dân lập hoặc các trường trung cấp nghề.

Cùng với đó, nhà trường còn mời các trường nghề trên địa bàn tỉnh về tư vấn, hướng nghiệp, giải đáp thắc mắc cho các em.

“Nếu các em lựa chọn học trung cấp nghề, sau 3 năm, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng nghề và có thể tham gia vào thị trường lao động” - cô Ngọc nói.

Tuy nhiên, cô Ngọc chia sẻ những băn khoăn khi làm công tác hướng nghiệp. Theo cô Ngọc, việc định hướng, tư vấn cho các em theo học GDTX hoặc các trường nghề rất dễ gây hiểu lầm. Nhiều phụ huynh cho rằng nhà trường đang chạy theo thành tích, ngăn cản các em thi vào lớp 10 công lập.

“Chúng tôi không có quyền cấm các em thi vào lớp 10 công lập. Chúng tôi chỉ thực hiện công tác hướng nghiệp; giải thích, chỉ dẫn con đường phù hợp với bản thân học sinh. Việc thi hay không thi vào lớp 10 vẫn do học sinh và gia đình quyết định.

Trong suy nghĩ của đa số phụ huynh, các trường nghề, các trung tâm GDTX là những môi trường không tốt nên luôn ép các em có học lực yếu phải thi đỗ vào các trường cấp 3 công lập. Nhiều em học sinh tâm sự với tôi, các em hiểu rõ học lực và khả năng của mình nhưng phải chịu áp lực lớn từ bố mẹ, luôn trong tình trạng lo sợ, căng thẳng học tập” - cô Ngọc nói.

Cô Ngọc chia sẻ thêm, các em học sinh rất cần những lời động viên, khích lệ và những định hướng đúng đắn từ gia đình và thầy cô. Ở các trường nghề hoặc trung tâm GDTX, các em sẽ thấy thoải mái hơn khi được học những kiến thức, kỹ năng phù hợp với bản thân mình, được làm điều mình thích; từ đó có động lực học tập, hăng hái và đam mê con đường mình đã chọn. Đặc biệt các em học nghề sẽ sớm có được việc làm ổn định, san bớt gánh nặng cho gia đình…

“Không phải chỉ mỗi học trường công lập thì các em mới có việc làm ổn định. Tùy theo khả năng và thế mạnh của mình, mỗi người sẽ có một hướng đi riêng phù hợp với bản thân. Nhiều bạn học trường nghề nhưng rất thành công, có việc làm ổn định và thu nhập cao” - cô Ngọc luôn nhắn nhủ với học sinh của mình và cho hay, các trường nghề cũng nên có những cam kết đầu ra về việc làm để phụ huynh có thể yên tâm gửi gắm con em của mình.

Về vấn đề ép học sinh không thi vào lớp 10, cô Hồ Thị Dung - giáo viên THCS tại tỉnh Đăk Lăk - cũng cho rằng: “Ép học sinh không được thi vào lớp 10 là sai, trái với quy định. Thầy cô và nhà trường chỉ được định hướng cho học sinh con đường phù hợp với các em”.Với các em khó có khả năng theo học lên bậc THPT, việc lựa chọn học nghề là quyết định đúng đắn.

“Những em có học lực yếu, nếu tiếp tục học cấp 3, sẽ rất “khổ”, áp lực học tập chồng chất” - cô Dung nói.

Theo cô Dung, việc học nghề sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển. Hiện nay, Việt Nam đang trong tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, chính vì vậy các em theo học nghề rất dễ sớm có việc làm ổn định, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Bên cạnh đó, một số bạn có những tài năng đặc biệt, giỏi thể dục thể thao cũng có thể theo học các trường năng khiếu để phát triển bản thân, mở ra cơ hội mới.

Cùng với đó, cô Dung cho hay, việc đưa ra lời khuyên cho phụ huynh và học sinh cần hết sức khéo léo để tránh gây hiểu lầm. Bởi lâu nay, trong suy nghĩ của phụ huynh, con đường học tập phải theo tuần tự từ Tiểu học đến THCS, THPT rồi lên đại học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn