MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiền lương luôn là nỗi trăn trở của giáo viên. Ảnh: Vân Trang

Giáo viên trăn trở làm sao để sống được bằng lương

trà my LDO | 11/08/2023 16:26

Trong số hơn 6.000 câu hỏi giáo viên gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, câu hỏi làm sao để giáo viên sống bằng tiền lương được đặt ra nhiều nhất.

Được tăng lương, giáo viên sẽ yên tâm làm việc

Chương trình "Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, đào tạo năm 2023" diễn ra vào ngày 15.8 tới đây. Trao đổi với Lao Động ngày 11.8, ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - cho biết qua thống kê, đơn vị đã nhận được hơn 6.000 ý kiến của giáo viên đã gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).

Một trong số các ý kiến được quan tâm và chia sẻ nhiều nhất là mức lương hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của giáo viên. Bên cạnh đó là các khó khăn, bất cập chế độ chính sách đối với đời sống, việc làm của các giáo viên.

"Vấn đề thu nhập của giáo viên hiện nay và chế độ làm việc theo các quy định hiện hành là hai vấn đề được gặp nhiều nhất trong số hơn 6.000 ý kiến gửi về cho chương trình" - ông Ân cho biết.

Nhiều năm công tác trong ngành, cô Đặng Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường Mầm non Kỳ Thượng (Hà Tĩnh) luôn trăn trở về mức lương dành cho bộ phận "cô nuôi" ở các trường mầm non.

Theo cô Quyên, đây là lực lượng giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Tuy nhiên, hiện nay, mức lương họ được nhận chưa tương xứng với công sức của nhân viên nuôi dưỡng.

"Công việc chế biến thực phẩm, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng cho trẻ mầm non không hề đơn giản. Nhưng thực tế chưa có chính sách tuyển dụng biên chế hay hợp đồng dài hạn, lương và phụ cấp của bộ phận nhân viên này phụ thuộc vào nguồn thu của phụ huynh. Điều này dễ khiến họ nản chí, nảy sinh ý định muốn nghỉ việc" - cô Quyên chia sẻ.

Tại sao bằng cử nhân nhưng chỉ hưởng lương trung cấp?

Cũng liên quan tới vấn đề tiền lương, cô Quyên thắc mắc, ngành giáo dục luôn đòi hỏi giáo viên có bằng cấp nhưng khi có bằng đại học thì chỉ hưởng lương như trung cấp.

"Theo quan sát, tôi thấy việc chuyển ngạch lương của cán bộ, giáo viên đã học xong nâng cao trình độ từ cao đẳng lên đại học chủ trương còn chồng chéo nên hiện nay có nhiều giáo viên có bằng đại học nhưng vẫn ăn lương trung cấp và cao đẳng" - cô Quyên nói.

Cô Quyên cho rằng giáo viên muốn được hưởng đúng lương sau khi được đào tạo đại học chính quy là điều hoàn toàn hợp lý. Bởi vì ai cũng cần có thu nhập hoặc ít ra phải có sự công bằng nghề nghiệp.

Chứng kiến một số đồng nghiệp bỏ nghề vì có bằng đại học nhưng lại hưởng mức lương trung cấp, cô Đào Thu Thảo - giáo viên Trường Tiểu học tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết: "Đồng nghiệp của tôi kể rằng họ đủ tiêu chuẩn xếp hạng 2 mới tuy nhiên lại chỉ được xét qua hạng 3, phải đợi 9 năm để lên hạng 2 mới. Vì cảm thấy điều này không phù hợp với công sức và thành tích bỏ ra nên đã quyết định xin nghỉ việc".

Tại cuộc họp sắp tới đây, cô Quyên và cô Thảo rất mong chờ được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến lương và các chính sách hỗ trợ cho giáo viên.

"Tôi hi vọng bộ trưởng sẽ tiếp nhận các ý kiến từ giáo viên của cả nước và gỡ khó từng vấn đề. Đặc biệt, Bộ trưởng sẽ chia sẻ câu chuyện về lương thưởng của giáo viên, chính sách hỗ trợ lương hay phụ cấp để tạo điều kiện cho giáo viên bám nghề" - cô Quyên mong muốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn