MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên tự hào với niềm vui trở thành một "kỹ sư tâm hồn" cho học sinh. Ảnh: NVCC

Giáo viên tự hào về nghề kĩ sư tâm hồn

trà my LDO | 20/11/2023 12:55

Không chỉ là những người thầy truyền tải kiến thức mà giáo viên còn đang làm rất tốt vai trò của một "kỹ sư tâm hồn", xây dựng đạo đức cho học sinh, tôn trọng từng cá tính và thấu hiểu những tâm tư của học trò.

Những quan niệm như giáo viên và học sinh phải có khoảng cách hay giáo viên luôn đúng, học sinh phải nghe lời là điều mà cô Đinh Thanh Hải - giáo viên Trường THPT Đông Triều (Quảng Ninh) không bao giờ sử dụng trong phương pháp giáo dục của mình.

Bản thân cô Hải nhận thấy, việc dạy và học luôn phải có sự tôn trọng và thấu hiểu giữa mình và học sinh.

"Trong quá trình dạy học, bản thân cũng gặp rất nhiều trường hợp học sinh chưa ngoan, chưa nghe lời nhưng tôi dùng chính tấm lòng giáo viên của mình để cảm hoá được những học trò còn non trẻ, hiếu động. Phương châm của tôi khi dạy học là phải dạy bằng tình thương" - cô Hải bộc bạch.

Là học sinh từng được cô Hải chủ nhiệm, em Nguyễn Lam Ngọc - học sinh Trường THPT Đông Triều (Quảng Ninh) tâm sự: "Học sinh hiện nay có nhiều áp lực đến từ phía gia đình, học tập, từ các vấn đề trong cuộc sống, bản thân rất mệt mỏi và muốn từ bỏ nhưng khi nhớ lời cô nói dù có đi cả đời qua gió bụi thì hãy cứ tin hạnh phúc ở cuối con đường là em lại có thêm động lực cố gắng".

Bản thân là một người sống nội tâm, rất khó để có thể mở lòng với người khác, thậm chí sợ phải giao tiếp với người lạ. Ngay từ lần gặp cô Hải đầu tiên, Ngọc đã có một cảm giác thật sự rất ấm áp và quen thuộc.

"Đối với từng học sinh, cô sẽ có những cách tiếp cận khác nhau để đánh giá xem cá tính mỗi người. Từ đó, cô sẽ biết cách để giúp các bạn tiến bộ hơn. Ở trong tập thể lớp, cô luôn tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích nhưng cũng ẩn chứa từng bài học, qua đó giúp các bạn gắn kết với nhau hơn và hiểu được những bài học hay" - Ngọc chia sẻ.

Là giáo viên công tác trong ngành Giáo dục gần 10 năm, cô Nguyễn Thị Bích Thuỷ - giáo viên Trường Mầm non Kỳ Sơn (Hà Tĩnh) nhận thấy, việc giáo dục học sinh cần phải có phương pháp đúng đắn.

"Nhất là khối học mầm non, nếu giáo viên không dạy học bằng tình thương e là sẽ khó để gần gũi và gắn bó với các em. Trong giáo dục cần khuyến khích việc nêu gương và cố gắng xem đây là phương pháp chính.

Nếu học sinh vi phạm, thầy cô cần nhắc nhở nhẹ nhàng, khuyên bảo, để làm sao mình hạn chế tối đa việc xử phạt bằng các phương pháp bạo lực" - cô Thuỷ nhận định.

Chính những ánh mắt thơ ngây, hồn nhiên của học sinh là động lực để cô Thuỷ có thể cống hiến và tiếp tục gắn bó với học trò.

"Nghề giáo viên vinh quang nhiều mà trách nhiệm cũng lớn. Tôi cảm thấy mình thật sự may mắn vì tìm thấy niềm vui và hạnh phúc với nghề. Những tình cảm thân thương của học trò nhỏ cùng sự quan tâm, động viên của các bậc phụ huynh cũng khiến cho những giáo viên làm nghề như tôi trở nên hạnh phúc hơn. Đó cũng là động lực khiến tôi nỗ lực từng ngày để thấu hiểu các con, dạy dỗ bằng tình thương yêu và sẵn sàng hỗ trợ các học sinh khi gặp khó khăn. Tôi tin rằng, những giáo viên cũng đang tự hào về nghề giáo giống như tôi" - cô Thuỷ xúc động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn