MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều ý kiến phụ huynh cho rằng, dạy thêm không xấu nếu xuất phát từ nguyện vọng chính đáng. Ảnh: Vân Trang

Giáo viên ủng hộ đưa dạy thêm thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Tuyết Anh LDO | 22/11/2023 06:00

Nhiều ý kiến phụ huynh, giáo viên ủng hộ đưa dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Cứ đều đặn 2 ngày cuối tuần, chị Phạm Thị Sang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lại đưa con trai đang học lớp 5 đến lớp học thêm tiếng Anh. Việc học thêm hoàn toàn xuất phát từ nguyện vọng của gia đình.

"Con học yếu môn Tiếng Anh, nên gia đình tôi muốn cho con học thêm để theo kịp các bạn, cũng là để con có nền tảng ngoại ngữ tốt hơn" - chị Sang nói.

Còn đối với người con thứ hai hiện học lớp 1, chị Sang không cho học thêm vì nhận thấy ở độ tuổi này, con chỉ cần học tốt những kiến thức được dạy trên lớp.

Chị Sang cho rằng, không riêng gia đình mình, rất nhiều phụ huynh khác cũng chủ động tìm lớp học thêm cho con. Điều này xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của gia đình và của chính các con. Do đó, không nên cấm tuyệt đối việc dạy thêm, học thêm.

"Chỉ nên cấm những cơ sở mở ra bắt ép học sinh trong lớp mình đi học, còn những lớp mở ra xuất phát từ mong muốn, nhu cầu của phụ huynh thì không nên cấm" - chị Sang nói.

Ngày 20.11, tại phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, câu chuyện dạy thêm, học thêm một lần nữa lại làm nóng nghị trường Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đều đưa ra đề nghị đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, chị Sang cho rằng, việc nếu đưa học thêm, dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hợp lí. Bởi như vậy, với những thầy cô thực lòng muốn dạy thêm để cung cấp thêm kiến thức cho học sinh mình sẽ mở được lớp học có chất lượng, đáp ứng được nguyện vọng của những phụ huynh.

Anh Vũ Văn Ngọc (phụ huynh của một học sinh đang lớp 12 tại Thanh Hóa) cũng ủng hộ việc dạy thêm, học thêm dựa trên nguyện vọng, nhu cầu của học sinh.

Anh Ngọc thẳng thắn nói, việc quản lý dạy thêm học thêm lâu nay vẫn trong vòng luẩn quẩn "không quản được thì cấm". Do đó, giải pháp tốt nhất là đưa dạy thêm thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

"Bản chất của dạy thêm, học thêm không xấu. Có những học sinh khả năng tự học chưa tốt, cần phải học thêm ngoài giờ lên lớp để bổ sung kiến thức bị thiếu hụt, bồi dưỡng bản thân. Dạy thêm, học thêm chỉ xấu khi có một bộ phận giáo viên ép buộc, lôi kéo, dọa nạt học sinh phải học thêm.

Vì vậy, cần có bộ quy định rõ ràng, có cơ quan quản lý trực tiếp các thông tin lớp học, cơ sở vật chất, chứng nhận giáo viên, chương trình giảng dạy,... Đồng thời, cần xử lý mạnh những trường hợp vi phạm" - anh Ngọc nêu ý kiến.

Dưới góc nhìn của nhà giáo, cô Nguyễn Thu Hương - Trường THPT Kỳ Lâm (Hà Tĩnh) - nhận định, bản chất của dạy thêm là không xấu. Thay vì cấm đoán cực đoan, cần có quy định, chế tài cụ thể để kiểm soát việc này.

"Việc đưa dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh sẽ giúp Nhà nước có sự quản lý rõ ràng về mức thu, tránh việc dạy, thu tràn lan, chủ yếu là ở thành phố như hiện nay. Về phía thầy cô, nếu dạy thêm xuất phát từ nguyện vọng của phụ huynh, đây cũng là cách để tăng thu nhập, cải thiện đời sống" - cô Hương nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn