MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thông tư 32 của Bộ GDĐT quy định, học sinh THCS, THPT được sử dụng điện thoại di động trong giờ học để phục vụ học tập. Ảnh: Thanh Chân

Giáo viên ủng hộ quy định cho học sinh sử dụng điện thoại khi đến trường

Hải Đăng LDO | 06/10/2023 10:28

Nhiều giáo viên ủng hộ việc học sinh sử dụng điện thoại khi đến trường, vì cho rằng điều này giúp nâng cao hiệu quả học tập, tính dân chủ trong trường học.

Công cụ để học sinh giám sát, tố cáo hành vi chưa chuẩn mực

Từ vụ việc một em học sinh Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) sử dụng điện thoại, quay lại video clip giáo viên túm cổ áo, lôi nữ sinh, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường, trong lớp hay không.

Trên thực tế, tại nhiều trường, học sinh được phép mang điện thoại đến trường, nhưng sẽ có nội quy về việc sử dụng.

Em Bùi Trúc Quỳnh, học sinh lớp 12 tại Thanh Hoá cho hay, học sinh được sử dụng điện thoại nhưng trước khi vào giờ học, điện thoại sẽ được để trên bàn giáo viên, khi cần sẽ được mang ra sử dụng.

Ủng hộ việc cho học sinh mang điện thoại đến trường để tiện liên lạc với phụ huynh nhưng anh Lại Thắng (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: “Việc học sinh để điện thoại rung hay sử dụng trong tiết học là sai và cần được nhắc nhở, nếu tái phạm nhiều lần thì đồng tình cho kỷ luật. Nhưng xét trên khía cạnh nào đó, đây cũng là công cụ để học sinh giám sát, tố cáo những thầy cô có hành vi chưa chuẩn mực, vi phạm đạo đức nhà giáo. Vì thế, việc cho học sinh mang điện thoại đến trường là cần thiết, chỉ cần lưu ý việc không được sử dụng trong giờ học".

Dưới góc nhìn của nhà giáo, cô Lê Thu May, giáo viên Trường THPT Hiệp Hoà số 3 (Bắc Giang) cho rằng, việc học sinh dùng điện thoại có nhiều lợi ích, nhưng để hạn chế tiêu cực thì phụ huynh có vai trò quan trọng.

Giáo viên Trường THPT Hiệp Hoà số 3 (Bắc Giang) trang bị những chiếc hộp sắt, chia ô để học sinh để điện thoại khi vào giờ học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô May luôn quản lý thời gian sử dụng điện ở nhà của con theo cấp học và bài tập cụ thể nhưng giới hạn từ 30 phút - 60 phút. Lời khuyên của cô đến các bậc phụ huynh trong việc quản lý điện thoại của con là quy định không được đặt mật khẩu điện thoại hoặc nếu đặt mật khẩu thì phải cho bố mẹ biết.

“Phụ huynh cũng nên chủ động tìm hiểu, chỉ cần biết tên, hình ảnh nhận diện các ứng dụng dạy học để biết con sử dụng điện thoại vào mục đích học. Tự trang bị kỹ năng số đơn giản xem lịch sử duyệt web để kiểm tra các nội dung con đã vào”, cô May nói.

Phát huy hiệu quả mục đích sử dụng điện thoại

Khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép, cô May luôn đi đầu trong việc cho học sinh dùng điện thoại. Sau 3 năm triển khai ở nhiều lớp, nhiều khóa học, cô May nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, học sinh thích thú hơn trong quá trình ôn tập bài. Giáo viên có thể giao bài tập về nhà trên các ứng dụng, phần mềm.

Tuy nhiên, việc cho học sinh dùng điện thoại cũng có một số bất cập, lo lắng, chẳng hạn sợ học sinh dùng để chơi game, sử dụng các nền tảng mạng xã hội,... làm xao nhãng việc học.

“Nhiều giáo viên thì muốn quay lại thời không Internet để học sinh tập trung 100% trí lực vào học tập. Tác hại của điện thoại không phải do học sinh dùng nhiều hay ít mà do học sinh dùng vào việc gì” - cô May nói.

Cô Nguyễn Phương Lan, giáo viên THPT tại Bắc Giang cho biết, thay vì sử dụng bài kiểm tra trên giấy, cô sẽ cho học sinh kiểm tra 15 phút trực tiếp trên điện thoại.

“Đề kiểm tra đã có sự phân hoá và tính toán đủ thời gian 15 phút, nếu học sinh tra Google 1 câu cũng mất thời gian, khi quay lại sẽ không đủ thời gian làm bài. Chưa kể, giáo viên cũng là người trực tiếp giám sát các em kiểm tra nên gian lận rất khó. Làm bài xong, các em sẽ biết điểm luôn” - cô Lan nhấn mạnh.

Là giáo viên Tiếng Anh tại Hà Nội, thầy Nguyễn Đức Duy cho rằng, việc học sinh sử dụng điện thoại là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, phải có thời lượng cụ thể quy định dùng trong bao nhiêu thời gian để tìm kiếm nguồn tin, giáo viên cũng phải giám sát, kiểm tra.

Theo thầy Duy, khi các em chủ động kiến thức thì tiết học trở nên sôi nổi, kiến thức sẽ nhớ lâu hơn so với cách giảng dạy thông thường. Công cụ nào cũng sẽ có 2 mặt, muốn mặt tích cực nhiều hơn thì phụ thuộc vào cả thầy và trò, từ đó phát huy đúng hiệu quả mục đích sử dụng điện thoại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn