MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên phải chịu rất nhiều áp lực, trong đó có vấn nạn quá nhiều hồ sơ sổ sách mang tính hình thức. Ảnh minh họa: NH

Giáo viên vẫn bức xúc với vấn nạn hồ sơ, sổ sách

QUANG ĐẠI LDO | 14/10/2022 11:37

Giáo viên mầm non và phổ thông vẫn than phiền về vấn nạn hồ sơ sổ sách mang tính chất hành chính, hình thức.

Giáo viên than phiền về hồ sơ, sổ sách

Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư số 32 và 52 ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường Mầm non, đã giảm tải nhiều loại hồ sơ sổ sách cho giáo viên như sổ hội họp, ghi chép dự giờ...

Tuy nhiên, đến nay, nhiều trường mầm non và phổ thông vẫn quy định bắt buộc giáo viên phải có các loại hồ sơ, sổ sách như sổ hội họp, dự giờ... làm giáo viên rất mệt mỏi.

“Tôi tham dự hội họp ít ghi chép, bị tổ trưởng chuyên môn dọa sẽ đưa vào diện tinh giản biên chế” – một nữ giáo viên THPT tại Nghệ An phản ánh. Cũng tại địa phương này, một nam giáo viên THPT dạy giỏi nhưng bị nhà trường hạ một bậc thi đua vì  họ cho rằng sổ hội họp của giáo viên này “ghi chép sơ sài”.

“Tôi là giáo viên mầm non mà dự hội họp phải ghi chép 4 - 5 trang. Vào đầu giờ họp, hiệu trưởng nhắc nếu giáo viên không ghi chép sau cấp trên về kiểm tra phát hiện là phải chịu trách nhiệm. Hiệu trưởng đọc văn bản cho ghi cả tiếng đồng hồ, sau đó phải ghi hết các ý kiến thảo luận” – một nữ giáo viên tại Hà Tĩnh chia sẻ.

Cũng theo nữ giáo viên này, nhà trường yêu cầu giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm hàng năm, nộp lưu tại trường, phải dự giờ, thăm lớp, thao giảng đầy đủ. Do giáo viên mầm non phải dạy liên tục nên khi dự giờ, các cô phải gửi lớp cho người khác.

Hiệu trưởng vẫn làm theo quy định cũ

Hiện nay, nhiều trường phổ thông vẫn quy định giáo viên phải dự giờ đồng nghiệp 1 tiết/tuần, thao giảng (dạy có chuẩn bị trước và thông báo mời giáo viên khác đến dự) 2 tiết/năm, mặc dù hiện không có văn bản nào quy định, hướng dẫn 2 hoạt động này.

Dịch vụ viết thuê sáng kiến kinh nghiệm cho giáo viên được quảng bá liên tục trên mạng xã hội. Ảnh: TL

“Vì trường quy định có sáng kiến kinh nghiệm cấp trường thì được cộng 5 điểm thi đua, không có thì bị trừ 5 điểm thi đua nên hầu hết giáo viên phải tìm cách đối phó.

Một số người bí quá đã phải tìm đến dịch vụ viết thuê sáng kiến kinh nghiệm. Cho nên cuối cùng giáo viên vẫn không thoát khỏi vấn nạn buộc phải làm sáng kiến kinh nghiệm hàng năm” – một nam giáo viên THPT ở Hà Tĩnh nói.

Việc viết sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học là hoạt động hoàn toàn tự nguyện. Từ năm 2020, tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức viên chức mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” hàng năm không có nội dung “sáng kiến kinh nghiệm”. Tuy nhiên, hiện nhiều trường phổ thông vẫn tìm cách ép giáo viên làm sáng kiến kinh nghiệm bằng hình thức cộng, trừ điểm thi đua.

Tình trạng sổ sách, hồ sơ, hoạt động của giáo viên có tính chất hình thức, làm nhà giáo mệt mỏi và đẩy họ đến cách làm đối phó, không trung thực như ghi chép hội họp, dự giờ, tích lũy chuyên môn, làm sáng kiến kinh nghiệm... đã bị phản ánh rất nhiều. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật như trên để giảm tải cho giáo viên.

Vào năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Chỉ thị 138 nghiêm cấm các cấp quản lý giáo dục, nhà trường tự đề ra các loại hồ sơ, sổ sách trái quy định; hồ sơ sổ sách có thể chuyển sang hình thức điện tử.

Tuy nhiên, điều đáng nói là đối với bậc Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn duy trì các loại sổ sách như sổ hội họp, dự giờ làm giáo viên rất mệt mỏi.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng nhiều trường phổ thông và mầm non vẫn giữ nguyên các loại sổ sách, hồ sơ, hoạt động mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bãi bỏ, làm giáo viên bức xúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn