MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo Phạm Thị Hồng Phượng - trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La trong một tiết dạy học sinh dân tộc thiểu số. Ảnh: Hồng Phượng

Giáo viên vùng cao rơi nước mắt khi nói về phụ cấp thâm niên

Khánh Linh LDO | 16/05/2024 09:33

Chưa kịp vui với chính sách cải cách tiền lương thì hàng chục nghìn giáo viên vùng cao, biên giới đã chất chứa nỗi buồn trước thông tin cắt bỏ phụ cấp thâm niên.

Bén duyên với mảnh đất vùng cao Mai Sơn của tỉnh Sơn La, đã hơn 20 năm nay, cô giáo Phạm Thị Hồng Phượng - trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Mai Sơn vẫn miệt mài gieo chữ, gieo yêu thương cho học sinh dân tộc thiểu số nơi đây.

Thế nhưng, kể từ khi có thông tin sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề khiến nữ giáo viên cùng đồng nghiệp không khỏi trăn trở.

Cô Phượng cho hay: "Nếu bỏ phụ cấp thâm niên, thực sự chúng tôi rất buồn. Bởi lẽ giáo viên vùng cao trước đây chủ yếu là người từ dưới xuôi lên công tác, đã không nề hà khó khăn, chấp nhận cắm bản ở các nơi xa xôi, hẻo lánh.

Đã không ít giáo viên mấy tháng trời mới dám về thăm bố mẹ một lần, cũng có những cô giáo phải gạt nước mắt, đưa con nhỏ về quê gửi ông bà chăm sóc, còn mình lại ngược núi để dạy chữ cho con em của đồng bào. Chúng tôi chấp nhận vất vả, chỉ mong mỗi năm qua đi, có thêm 1% phụ cấp thâm niên, níu thầy cô giáo vùng cao gắn bó với nghề, ở lại với bản, với làng".

Giáo viên vùng cao vừa là thầy, cô vừa là cha, mẹ lo cho các em học sinh từng miếng ăn, giấc ngủ. Ảnh: Khánh Linh

Theo cô Phượng, hiện nay cô đang hưởng lương hệ số 4,68, cộng thêm phụ cấp thâm niên 22% và 70% phụ cấp ưu đãi nghề thì mới chỉ khoảng 17 triệu đồng/tháng.

Nếu bãi bỏ phụ cấp thâm niên, lương hàng tháng của nữ giáo viên này sẽ bị giảm gần 2 triệu đồng/tháng.

"Phụ cấp thâm niên trong nghề giáo được hiểu như là thước đo về kinh nghiệm đứng lớp, kiến thức tích lũy. Chưa kể ở thời điểm hiện tại, vật giá ngày càng leo thang, giáo viên cũng phải lo đảm bảo cuộc sống gia đình" - cô Phượng trăn trở.

Cùng chung nỗi lo lắng, trăn trở trước việc cắt bỏ phụ cấp thâm niên, cô giáo Lê Thị Nga - giáo viên trường TH&THCS Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho hay: "Công chức viên chức ngành giáo dục như chúng tôi chưa kịp mừng đã phải lo lắng. Nếu những giáo viên trẻ, có kiến thức, năng động và nhiệt huyết thì 20, 30 năm về trước, những giáo viên cao tuổi hiện nay cũng nhiệt huyết không kém.

Chỗ ở của giáo viên vùng cao chật vật, thiếu thốn. Ảnh: Khánh Linh

Đã không ít giáo viên xung phong cắm bản ở các điểm nóng ma túy của Tây Bắc như Lũng Xá, Tà Dê (xã Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La) hay vùng biên giới để dạy chữ cho trẻ. Những cống hiến đó rất cần được công nhận".

Theo cô Nga, 17 năm đứng trên bục giảng, những học sinh nữ giáo viên giảng dạy gần như toàn bộ là học sinh dân tộc thiểu số. Cho dù lên cấp THCS các em vẫn nói tiếng kinh chưa sõi, đọc chưa thông, viết chưa thạo. Gác lại nỗi niềm riêng, các thầy cô lại phải ở lại trường, cầm tay, rèn các em từng nét chữ, con số.

"Không đơn giản là số tiền, chúng tôi coi đó là sự công nhận về những cống hiến. Chưa kể, phụ cấp thâm niên giáo viên được hưởng có gắn với bảo hiểm xã hội mà chúng tôi đã đóng. Vậy vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào?" - cô Nga buồn rầu.

Phụ cấp thâm niên là khoản tiền trả cho người lao động làm việc liên tục nhiều năm trong một cơ quan ở một lĩnh vực nhất định. Mức hưởng và cách tính tiền phụ cấp thâm niên giáo viên như sau:

Nhà giáo tham gia giảng dạy giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

Theo đó, phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hằng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Thế nhưng, theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới. Trong đó sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn