MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giáo viên vùng dân tộc thiểu số mong muốn tăng chế độ tiền lương

Thiều Trang LDO | 18/11/2020 06:58

Mong muốn có thêm các chính sách ưu đãi đặc thù dành cho giáo viên người dân tộc thiểu số là vấn đề trăn trở của nhiều nhà giáo tham dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 diễn ra vào tối 17.11.

Mong muốn có thêm các chính sách đặc thù

Là thầy giáo có 17 năm công tác và gắn bó với nghề, thầy Thạch Sa Quên (giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) cho biết, cá nhân rất trăn trở về chính sách và chế độ tiền lương của giáo viên người dân tộc thiểu số.

"Tôi là giáo viên người dân tộc thiểu số thuộc xã nghèo, tốt nghiệp Thạc sĩ và hiện đang giảng dạy tại một trường THPT trên địa bàn huyện. Nhưng tiền lương hiện tại của tôi chỉ dừng ở mức 8 triệu/tháng, trong khi bạn bè đi dạy "tàng tàng" cũng được mười mấy triệu" - thầy Thạch Sa Quên chia sẻ.

Qua đây thầy mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ giáo viên là người dân tộc thiểu số để họ có thêm động lực phát triển và cống hiến cho xã hội.

Thầy cô giáo được chia sẻ những trăn trở, mong mỏi của mình. Ảnh: Thiều Trang

Cùng trăn trở với thầy Thạch Sa Quên, thầy Thào A Vàng (giáo viên Trường PTDTBT TH & THCS Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) chia sẻ, ở địa phương có rất nhiều người đã tốt nghiệp Đại học nhưng không xin được việc. Những hình ảnh đó khiến cho học sinh của thầy có suy nghĩ lệch lạc.

"Có những em học sinh nghỉ học bất thường, khi chúng tôi lên vận động thì phụ huynh của các em nói rằng, trẻ con không cần học quá nhiều, con tôi học đại học còn không xin được việc, đang phải làm nương rẫy ngoài kia. Vì vậy, biết cái chữ, biết đếm tiền là được" - thầy Thào A Vàng kể lại.

Điều này khiến thầy vô cùng trăn trở, mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ việc làm cho người dân tộc sau khi tốt nghiệp ra trường, đặc biệt là giáo viên.

Chính sách ưu đãi của giáo viên người dân tộc thiểu số là vấn đề được nhiều thầy cô quan tâm. Ảnh: TT

Đồng quan điểm trên, thầy K'Dĩnh (giáo viên Trường Tiểu học Tân Phúc 1, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) cũng đề nghị có thêm các chính sách đặc thù, thỏa đáng dành cho giáo viên dân tộc thiểu số ở các địa phương.

"Tại các buôn làng, đồng bào thường coi giáo viên là người có uy tín. Nhưng điều kiện công tác của giáo viên dân tộc thiểu số còn thiếu thốn, đời sống của giáo viên còn nhiều khó khăn, vì vậy gặp nhiều bất lợi trong giảng dạy và trong cuộc sống" - thầy K'Dĩnh chia sẻ.

Cam kết đồng hành, hỗ trợ giáo viên dân tộc thiểu số

Trò chuyện với Đoàn đại biểu giáo viên dân tộc thiểu số thuộc 63 tỉnh thành của cả nước, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực không ngừng, những đóng góp tích cực của thầy cô cho sự nghiệp giáo dục nước nhà nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh cho biết mình đã từng là giáo viên vùng cao nên rất thấu hiểu những mong mỏi của thầy cô.

Thứ trưởng cho biết, Đảng, Nhà nước đã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt và phù hợp với từng vùng dân tộc thiểu số cụ thể. Đặc biệt, việc quan tâm và chú trọng chế độ lương của giáo viên người dân tộc thiểu là vấn đề rất cần thiết và đáng quan tâm.

Tất cả những đóng góp, kiến nghị của các thầy cô giáo sẽ giao các Vụ chức năng của Ủy ban Dân tộc tổng hợp, rà soát, tham mưu với lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, làm căn cứ điều chỉnh các chính sách đảm bảo phù hợp, thiết thực để đồng hành, hỗ trợ lực lượng giáo viên dân tộc thiểu số.

Chia sẻ với thầy cô năm 2020 do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức. Chương trình đã vinh danh các giáo viên là người dân tộc thiểu số, đặc biệt là những dân tộc có quy mô dân số dưới 10.000 người, đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn