MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các thầy cô giáo trường Suối Bau (Sơn La) tự tay đóng lại các tấm ván gỗ nối đoạn đường hư hỏng và giúp đỡ nhau đi qua con đường hiểm trở bên vách núi. Ảnh: VX.

Giáo viên vùng lũ trước thềm khai giảng: Ăn bánh mì dọn trường, vận động học sinh đến lớp

Nguyễn Hà LDO | 04/09/2018 11:29

Dù công tác tại những điểm trường khó khăn của các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt nhưng các thầy cô ở những nơi đây vẫn không quản ngại, tất cả đều hướng đến học sinh.

Thầy Nguyễn Thế Anh - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 Trường THPT Cù Huy Cận, Hà Tĩnh - chia sẻ, năm nào cũng như năm nào, Hà Tĩnh là vùng chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai và lũ lụt. Tuy dạy ở ngôi trường đặc biệt khó khăn nhưng thầy cũng như các giáo viên khác trong trường vẫn đang hồi hộp và náo nức chờ đợi một năm học mới.   

Thầy Thế Anh cho biết, nhà trường đã tổ chức dạy học trước 2 tuần để tránh lũ vì hàng năm đến mùa lũ lụt, học sinh đều phải nghỉ học, có khi đến 2 tuần. Ngày hôm nay (4.9), toàn trường đã tập trung để tổng duyệt, trang trí lần cuối cùng cho buổi lễ khai giảng ngày mai, ai nấy đều vui tươi, phấn khởi chuẩn bị bước vào năm học mới.

Thầy giáo Nguyễn Thế Anh (giữa) cùng các em học sinh. Ảnh: NVCC

Theo thầy Thế Anh, không khí khai giảng của trường sẽ rất giản dị không hoa trương, lãnh đạo phát biểu ngắn gọn, tạo không khí thoải mái cho học trò.

Năm học mới đến gần, dù không mong muốn có sự xuất hiện của thiên tai lũ lụt nhưng do đây điều khó tránh khỏi nên thầy cô và các em học sinh chỉ có thể nỗ lực hết mình để vượt qua và đạt thành tích tốt trong năm học mới.  

“Mỗi đợt lũ lụt, học sinh phải nghỉ 2 - 3 ngày có khi là 4 - 5 ngày. Có những năm 7 - 8 cơn lụt thì cũng mất cả tuần học. Mỗi lần cơn lũ đi qua, bàn ghế, trang thiết bị dạy học chìm sâu trong nước, ngấm bùn. Lụt xong, thầy cô phối hợp với phụ huynh dọn dẹp, nước rút đến đâu thì tranh thủ dọn dẹp đến đó.

Các thầy cô đều rất mệt, có những đợt lũ xong phải dọn dẹp cả ngày mà chỉ ăn qua bữa bằng bánh mì” – thầy Thế Anh tâm sự.

Điểm trường Suối Bau (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) trước đó đã gây sốc với hình ảnh các thầy cô giáo ở Sơn La sửa lại con đường đến trường dạy học sau vụ sạt lở, một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu rất nguy hiểm khiến người xem không khỏi lo sợ.

Đến thời điểm hiện tại, đoạn đường đến trường trên đã được UBND huyện Phù Yên điều động máy xúc sửa chữa, thuận tiện hơn cho việc đi lại, đến trường của các thầy cô và học sinh.

Ông Đinh Hùng Dũng - Hiệu phó trường cấp 2 Suối Bau cho biết, đợt mưa lũ vừa qua, điểm trường bị ngập lụt, nhà trường đã tổ chức dọn dẹp, chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới. Thầy cô và học trò ai cũng háo hức đợi đến ngày 5.9 để tổ chức lễ khai giảng.

Cũng theo ông Dũng, tới nay, trường vẫn còn 11 học sinh chưa đến lớp, 1 em bỏ học trong hè. Nhà trường đã tổ chức đến từng nhà để vận động các em tới trường.

“Do địa hình khó khăn nên các thầy cô giáo phải đi bộ rất nhiều, đến từng nhà vận động các em tới lớp. Việc bỏ học do nhiều nguyên nhân, thứ nhất là đường xá xa xôi, thứ hai do nhận thức của các em về việc học chưa được đầy đủ, rõ ràng; thứ ba là do gia đình cần thêm lao động ở nhà để chăn trâu, chăn bò. Trong tuần, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các em ra trường” – ông Dũng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn