MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (tỉnh Quảng Nam) - tình nguyện trở F0 đi điều trị. Ảnh: NVCC

“Giữ lửa” các bục giảng online

Tường Vân LDO | 05/02/2022 10:24

Gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của nền kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Nhưng hàng triệu nhà giáo, học sinh, sinh viên trên cả nước đã và đang kể cho chúng ta những câu chuyện xúc động về tinh thần vượt khó, nỗ lực duy trì việc dạy và học dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Khó khăn chỉ là phép thử

Hơn 33 năm gắn bó với nghề, thầy Mai Văn Quyết - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, tỉnh Bạc Liêu - thừa nhận chưa năm nào khó khăn, vất vả như năm nay. Nơi thầy công tác, đa số học sinh là con em người dân tộc thiểu số, việc dạy học trực tiếp đã khó khăn, nay dạy trực tuyến càng gian nan, trắc trở gấp trăm, gấp nghìn lần. Khó khăn do thiếu thiết bị, thiếu đường truyền, khó khăn trong việc tiếp cận phương thức học tập quá mới mẻ, xa lạ...

Nhưng rồi, say với nghề, quyết không gục ngã giữa đại dịch khốc liệt, thầy Quyết cùng các đồng nghiệp miệt mài ngày đêm tự nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy, cách thức tiếp cận với học trò và đổi mới cả những trang giáo án.

“Với các em học sinh dân tộc, trước khi dạy phải dỗ. Dỗ làm sao để các em không cảm thấy nản mà bỏ cuộc. Tôi đã gọi cho từng em học trò, kết nối qua Zalo, giải thích cặn kẽ từng bước. Trước tiên, phải để các em được nhìn thấy mặt nhau, nhìn thấy mặt thầy. Học trò miền núi bày tỏ tình cảm mộc mạc, chân thật lắm. Các em reo lên thích thú khi được nhìn thấy mặt nhau qua màn hình điện thoại. Đấy là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày, duy trì việc học cho các em” - thầy Quyết tự hào kể lại. 

Và rồi, sự cố gắng, nỗ lực, tâm huyết của những nhà giáo đã thu về trái ngọt. Các em học sinh dân tộc thiểu số đã bước đầu làm quen với công nghệ, không còn e ngại, rụt rè mà hào hứng, tự giác tham gia các tiết học trực tuyến.

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, việc dạy học trực tuyến đã không còn là giải pháp tạm thời mà được công nhận là hình thức dạy học chính thức trong nhà trường, giải pháp lâu dài để ngành Giáo dục vừa thích ứng, vừa đẩy mạnh chuyển đổi số, đạt được những thành tựu như mong đợi. 

Phương thức này được áp dụng đồng bộ tại hàng loạt các tỉnh thành. Hàng nghìn học sinh, giáo viên tại TP.Hồ Chí Minh dù là F0 nhưng luôn nỗ lực để bắt đầu những tiết học online đầu tiên của năm học. Từng ngày trôi qua là sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể đội ngũ giáo viên và học sinh. Dịch bệnh là một phép thử để thử thách lòng kiên định, ý chí kiên cường, bản lĩnh của hàng triệu giáo viên, học sinh trên cả nước.

Mỗi nhà giáo cũng là chiến sĩ trên mặt trận chống dịch

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, bên cạnh những nỗ lực để duy trì việc dạy và học, các thầy, cô giáo cũng là một trong những lực lượng đi đầu xung kích, góp phần đẩy lùi dịch bệnh và hỗ trợ những mảnh đời khó khăn. Thầy cô ngoài nhiệm vụ truyền thụ tri thức, khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, sẵn sàng xung trận khi Tổ quốc gọi tên. 

Thương những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, hơn chục năm nay, thầy giáo dạy Mỹ thuật Trương Vĩnh Đặng của Trường tiểu học Tây Hồ (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) đã thực hiện hàng trăm chuyến từ thiện, quyên góp cho bà con khó khăn vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, những ngày Đà Nẵng đón hàng nghìn lượt người lao động đi xe máy về quê ngang qua thành phố, thầy đã cùng ba của mình dán từng tấm biển chỉ đường cho bà con đi đúng hướng, tất tả lo cho bà con lao động khó khăn từng bữa cơm 0 đồng.

Sau khi kết thúc những tiết dạy học online, gác lại trang giáo án, thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (tỉnh Quảng Nam) - lại khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, tình nguyện chở F0 trên địa bàn đi điều trị, cách ly. Ngày thầy đưa ra quyết định đó là 24.10.2021, huyện miền núi nghèo Nam Trà My (Quảng Nam) bắt đầu xuất hiện ca F0 đầu tiên. Chỉ từ vài ca, những ngày sau đó, con số này tăng liên tục theo cấp số nhân. Rất nhiều học sinh ở các trường phổ thông dân tộc nội trú cũng mắc COVID-19. Nhưng thời điểm đó, toàn huyện chỉ có duy nhất chiếc xe cứu thương 7 chỗ nên việc vận chuyển F0 đi điều trị gặp nhiều khó khăn.

Học sinh F0 tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) lên đường đi điều trị. Ảnh: NVCC

Theo dõi tình hình, diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn huyện, thầy Phương không khỏi sốt ruột khi chứng kiến hàng trăm học sinh bị lây nhiễm phải ngồi im đợi chờ đến lượt được đưa đi điều trị. Được CLB Bạn thương nhau TP.Đà Nẵng hỗ trợ phương tiện, trong tình huống cấp bách, lại thương học trò nhỏ phải di chuyển đường sá xa xôi không có người thân đi cùng, thầy Phương đã viết đơn đăng ký, tình nguyện chở F0 về bệnh viện điều trị.

Nỗi lo của thầy Phương lúc ấy không phải là bản thân bị lây nhiễm, hay vất vả mà là niềm trăn trở làm sao chở học trò đi chữa trị nhanh nhất, kịp thời nhất để ngăn chặn nguồn lây của dịch bệnh và giúp các em sớm khỏi bệnh không ảnh hưởng đến sức khỏe, học hành và tương lai.

Những ngày đó, trên địa bàn huyện mưa lớn, lốc núi, đất lở khiến nhiều đoạn đường sạt lở, khó khăn trong quá trình di chuyển. Nỗi canh cánh, trăn trở làm sao đưa học trò về bệnh viện tỉnh sớm nhất, an toàn nhất để điều trị kịp thời khiến thầy quên đi cả chặng đường hơn 100km đường núi hiểm nguy.

Cũng thời điểm ấy, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập được “hô biến” thành khu cách ly tập trung. Một số thầy cô đảm đương nhiệm vụ chuyên môn, số còn lại dồn toàn tâm, toàn lực, phục vụ công tác hậu cần cho điểm cách ly. Ròng rã gần 1 tháng trời, những chuyến xe của thầy hiệu trưởng đã đưa 350 em học sinh về nơi điều trị an toàn, kịp thời và sau đó, lại đón các em khỏe mạnh trở về với gia đình, bản làng. Dù đường sá xa xôi, trắc trở nhưng mỗi chuyến xe luôn đầy ắp tiếng cười nói ngây thơ của học trò và tình yêu thương vô bờ bến của người thầy.

Và trong 2 năm qua, có thể nhìn thấy rất nhiều tấm gương như thế trong ngành Giáo dục. Những bục giảng online luôn “nóng rẫy” dù học sinh, giáo viên phải đi cách ly. Không thể đếm hết những thầy cô giáo “ngày lên bục giảng, tối xung phong ra trận”, càng không thể kể hết những chuyến xe lăn bánh chở theo ngọn lửa nhiệt huyết, sức trẻ, tinh thần chiến đấu kiên cường, xung phong đi về nơi tâm dịch của giáo viên, giảng viên, sinh viên.

Thời gian tới, còn nhiều khó khăn, thách thức hơn nữa khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Thế nhưng, chặng đường toàn ngành Giáo dục chiến đấu với dịch bệnh 2 năm qua đã chứng minh một điều, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu chủ động và sáng tạo thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn