MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giữ nguyên học phí là sự chia sẻ với phụ huynh

Thiều Trang LDO | 16/11/2020 06:10

Sau thông tin Bộ GDĐT có văn bản báo cáo Chính phủ về việc đề xuất giữ nguyên mức học phí hiện hành ở tất cả các cấp học đối với năm học 2021-2022, rất nhiều phụ huynh bày tỏ sự đồng tình.

Nhiều phụ huynh bày tỏ quan điểm về việc nên hay không nên tăng học phí. (Ảnh minh họa: LĐO)

Giữ nguyên học phí là sự chia sẻ lớn

Tiếp nhận thông tin từ việc Bộ GDĐT đề nghị giữ nguyên mức học phí hiện tại, nhiều phụ huynh cho rằng đây là sự chia sẻ lớn trong giai đoạn "nhạy cảm" như hiện nay.

Chị Hoàng Thị Thanh (phụ huynh Trường Đại học Y Dược Thái Bình) cho biết, giữ nguyên mức học phí hiện hành có ý nghĩa to lớn với các gia đình có tài chính eo hẹp.

"Đối với nhiều gia đình, nhất là ở nông thôn, học phí cho con là một khoản chi tiêu lớn. Nếu học phí tăng nhanh sẽ gây khó khăn cho phụ huynh, làm gia tăng áp lực tài chính, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. Vì vậy, việc giữ nguyên học phí rất có ý nghĩa với chúng tôi" - chị Thanh chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, chị Lê Thị Bắc (phụ huynh học sinh trường THCS Đông Văn, Thanh Hóa) cho biết, cá nhân rất tán thành về việc giữ nguyên học phí với tất cả các bậc học.

"Hiện nay thu nhập của người dân chưa ổn định do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, hơn nữa nhiều địa phương còn hứng chịu hậu quả nặng nề từ thiên tai bão lũ. Vì vậy, giữ nguyên học phí là sự chia sẻ, giúp giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh và học sinh" - chị Bắc chia sẻ.

Đề xuất lộ trình tăng học phí, anh Vũ Tiến Vượng (phụ huynh học sinh trường Tiểu học Tân Phong, Thái Bình) cho rằng, trước mắt năm học 2021-2022 vẫn nên ổn định như năm học này, vì dự báo dịch bệnh vẫn kéo dài, vắcxin vẫn chưa sản xuất được.

Theo anh Vượng, khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi và tăng trưởng như trước thời điểm có dịch, thì mới nên đề xuất tăng học phí. Mức tăng cần đảm bảo phù hợp với từng vùng miền, không cản trở cơ hội học tập của học sinh.

Tăng học phí phải đi đôi với tăng chất lượng

Đối với phụ huynh, học phí tăng đồng nghĩa với việc tăng áp lực tài chính. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra đồng tình, vì đầu tư để chất lượng giáo dục cho con tốt hơn là điều cần thiết, nhưng nếu tăng học phí thì chất lượng phải tăng tương xứng.

Anh Phạm Văn Quyết (phụ huynh có con đang học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, vấn đề tăng học phí ở bậc đại học là điều có thể hiểu, vì đại học bản chất là tự nguyện. Tuy nhiên, tăng học phí phải đi đôi với tăng chất lượng.

"Phụ huynh luôn mong muốn con em mình được học tập và phát triển trong môi trường tốt nhất. Vấn đề tăng học phí ở mức phù hợp là điều cần thiết, nhưng phải đảm bảo chất lượng đào tạo và hệ thống cơ sở vật chất của trường tốt hơn" - anh Quyết chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Minh (phụ huynh Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, chủ trương tăng học phí là cần thiết nếu đặt đúng mục tiêu.

"Tăng học phí phải đi đôi với đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên, nâng cao chất lượng chương trình học, mở rộng các chương trình ngoại khóa. Ngoài ra, trường phải công khai điều kiện đào tạo, chất lượng đào tạo để phụ huynh và sinh viên cùng giám sát" - chị Minh nêu ý kiến.

Trước đó trong Dự thảo lần thứ 2 Nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Bộ GDĐT đã đề xuất tăng học phí tất cả các cấp học từ năm học 2021-2022. Cụ thể, học phí bậc đại học tăng 12,5%, học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5% so với năm học 2020-2021.

Sau đó, Bộ GDĐT có văn bản báo cáo Chính phủ, đề xuất giữ nguyên mức học phí hiện hành ở tất cả các cấp học đối với năm học 2021-2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn