MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gỡ khó trong triển khai mô hình giáo dục STEM tại Cần Thơ

YẾN PHƯƠNG LDO | 01/02/2023 12:39

Năm học 2022 - 2023, TP. Cần Thơ là một trong 7 địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) lựa chọn triển khai thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học. Bên cạnh hiệu quả bước đầu, nhà trường và thầy cô đang phải đối diện với nhiều rào cản.

Nhiều rào cản trong triển khai giáo dục STEM

Ngành Giáo dục TP.Cần Thơ đã lựa chọn 10 trường tiểu học tham gia thí điểm. Các trường thực hiện thí điểm với 323 giáo viên thực hiện giảng dạy các bài học/406 giáo viên được tập huấn; 119 chủ đề STEM được dạy và 11.210 học sinh được học.

Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) được chọn thực hiện thí điểm. Ảnh: Yến Phương

Bên cạnh hiệu quả bước đầu, nhìn thẳng vào thực tế, nhà trường và thầy cô đang phải đối diện với nhiều khó khăn, rào cản.

Ông Lê Thanh Long - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP.Cần Thơ - cho biết, do mới triển khai thí điểm nên nguồn tài liệu tham khảo và tài liệu tập huấn còn ít. Một số giáo viên chưa thực sự nắm rõ về giáo dục STEM, ngại học hỏi, chia sẻ với đồng nghiệp nên còn lúng túng, chưa cân đối thời gian trên lớp để đảm bảo chuẩn kiến thức.

Hiện chưa có quy định cụ thể về trang thiết bị tối thiểu nên các trường chủ yếu tận dụng thiết bị phục vụ Chương trình 2018 và vật dụng tái chế để giảng dạy; cần có thêm nguồn kinh phí để giáo viên được chủ động, sáng tạo hơn.

Bà Lê Thị Hường - Phó Trưởng phòng GDĐT quận Bình Thuỷ - chia sẻ, hiện có 2 trường học có số lớp và học sinh khá đông, gây khó khăn khi tổ chức thực hành và trưng bày sản phẩm.

Mặt khác, do còn mới nên các học sinh lớp 1, 2 và lớp 3 chưa có sự đột phá khi tham gia thiết kế sản phẩm theo chủ đề giáo dục STEM, chỉ đạt ở mức 1 theo quy định, các sản phẩm bài học còn ít và chưa phong phú.

Tháo gỡ khó khăn

Ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.Cần Thơ - đã lưu ý các thầy cô cần quan tâm hơn đến công tác phối hợp để thực hiện tốt giáo dục STEM bởi đây là phương pháp giúp thầy cô thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ năm học đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Theo đó, giáo dục STEM có 8 bước và 5 hoạt động chính gồm: Xây dựng ý tưởng; xác định vấn đề và đưa ra giải pháp triển khai, giải quyết vấn đề; thiết kế các công cụ, điều kiện để tạo ra sản phẩm giải quyết vấn đề; thí nghiệm thực tiễn; hoàn thiện và trình bày.

 Học sinh tiểu học tại TP. Cần Thơ hào hứng tham gia tiết học giáo dục STEM. Ảnh: Trường Tiến

Ông Lê Thanh Long thông tin, sở đã chỉ đạo các đơn vị tuyên truyền rộng rãi mô hình giáo dục STEM cấp tiểu học đến đội ngũ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh và cộng đồng. Các phòng GDĐT đều chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tạo mọi điều kiện cho đơn vị thực hiện theo đúng kế hoạch.

Đặc biệt, Bộ GDĐT đã hoàn thành đợt tập huấn xây dựng kế hoạch bài dạy STEM và tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong trường THPT đối với cán bộ cốt cán chuyên môn của 63 tỉnh thành trên cả nước.

Cô Phan Thị Tâm - giáo viên Trường Tiểu học Bình Thủy (Q.Bình Thủy, TP. Cần Thơ) - cho hay, cô đã tham gia đầy đủ buổi tập huấn của bộ và các hội thảo do ngành Giáo dục tổ chức. Song vì do tài liệu hạn chế nên giáo viên chủ yếu tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Nhưng qua thời gian triển khai tại trường, cô nhận thấy, các em học sinh năng động và phát huy khả năng sáng tạo nhiều hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn