MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT.

Góc nhìn chuyên gia về mô hình trường học mới VNEN

Huyên Nguyễn LDO | 19/08/2017 18:05

TS Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT: “Còn có giáo viên, cán bộ quản lý nghi ngờ, băn khoăn về VNEN”

Bản chất của mô hình trường học mới tại Việt Nam không phải là một “chương trình mới” như một số người đã nói, mà là một phương thức giáo dục lấy học sinh làm trung tâm thể hiện qua cách thức tổ chức lớp học và phương pháp dạy và học mới. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến bất cập trong quá trình thực hiện tại các địa phương chính là việc triển khai nhân rộng ở một số nơi, một số địa phương còn nóng vội, chạy theo số lượng.

Triển khai, nhân rộng khi chưa đảm bảo các điều kiện về đội ngũ, về cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, việc tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên trước khi triển khai mô hình trường học mới chưa được tốt. Thậm chí, còn có giáo viên, cán bộ quản lí nghi ngờ, băn khoăn về VNEN vì chưa hiểu rõ về phương thức giáo dục này. Từ đó gây tâm lý lo lắng, bức xúc trong cha mẹ học sinh và trong dư luận xã hội. Có thể nói, chính vì chưa đảm bảo được các điều kiện nên mô hình trường học mới đã gặp khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện.

Để triển khai mô hình trường học mới, ngày 8.8.2017, Bộ GDĐT ban hành công văn số 3459 yêu cầu các địa phương rà soát, đảm bảo các điều kiện thực hiện mô hình trường học mới, để việc triển khai phương thức giáo dục này có hiệu quả, tránh những bất cập, hạn chế đã gặp phải. Bộ GDĐT yêu cầu địa phương đảm bảo quyền lợi của học sinh, tiếp tục triển khai phương thức giáo dục này trên tinh thần tự nguyện. Các cơ sở giáo dục được áp dụng mô hình trường học mới một cách linh hoạt, không rập khuôn, máy móc và có thể lựa chọn một số các thành tố tích cực của mô hình để triển khai một cách phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ sở giáo dục.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam: Đừng phát triển giáo dục theo kiểu chỉ huy

 

Mô hình VNEN về phương pháp và định hướng là rất tốt. Tuy nhiên, VNEN đòi hỏi trình độ giáo viên phải thực sự biết cách đổi mới trong dạy học và số lượng học sinh trong một lớp phải đảm bảo thì mới có điều kiện để thực hiện được. Hiện nay, chúng ta đang áp dụng máy móc, áp đặt khi huy động tất cả mọi địa phương đều thực hiện VNEN khi điều kiện chưa đáp ứng. Để thành công, dự án cần có thêm thời gian để chuẩn bị, đặc biệt là đội ngũ giáo viên.

Tôi cho rằng chủ trương mới của Bộ GDĐT là các địa phương chủ động quyết định trên tinh thần đảm bảo các điều kiện thực hiện mô hình VNEN và tinh thần tự nguyện của nhà trường, học sinh, phụ huynh là hoàn toàn hợp lý. Muốn phát triển giáo dục thì đừng làm theo kiểu chỉ huy.

Kinh nghiệm làm dự án của tôi cho thấy, thực tế các đối tác nước ngoài rất quan tâm đến tính bền vững. Tại một vài tổ chức, họ sẽ để lại một khoản tiền trong tổng số kinh phí của chương trình để tài trợ cho các đơn vị tiếp tục duy trì và thực hiện tốt chương trình sau khi dự án kết thúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn