MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gốc rễ của dạy thêm học thêm là căn bệnh thành tích

Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa) LDO | 23/05/2023 21:04

Với hơn 36 năm là giáo viên giảng dạy, tôi xin chia sẻ với phụ huynh để hiểu rõ nguồn gốc của nạn dạy thêm, học thêm - vấn đề luôn gây bức xúc cho phụ huynh cũng như dư luận xã hội.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều thầy cô trực tiếp đứng lớp có cùng nhận xét, chương trình mới, tài liệu giảng dạy có phần phong phú đa dạng về hình thức, nội dung kiến thức, giúp giáo viên và học sinh có nhiều kênh thông tin hơn khi thực hiện một chương trình một bộ sách giáo khoa (2006).

Tuy vậy, chương trình mới vẫn chưa khắc phục hay hạn chế được việc dạy thêm và học thêm hiện nay. Lý do là bởi, nhiều địa phương, nhiều thầy cô còn "chậm" trong việc đổi mới, kiểm tra, đánh giá học sinh. 

Nhiều phụ huynh than phiền, dù không muốn, cũng phải cho con đi học thêm, nếu không, khó có thể vượt qua các bài kiểm tra nặng về lí thuyết trên lớp.

Khi năm học mới bắt đầu thì hoạt động dạy thêm học thêm cũng diễn ra sôi nổi không kém so với việc học chính khóa. Nhiều trung tâm, lớp học thêm tại nhà và ngay tại trường hoạt động sôi nổi. 

Liên quan đến việc kiểm tra, đánh giá, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT có nhiều Thông tư hướng dẫn về thực hiện chương trình, trong đó có Thông tư số 22/2021/TT-BGĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT.

Cụ thể, khen thưởng cuối năm học: Khen thưởng danh hiệu "Học sinh xuất sắc" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức tốt. Kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức tốt và có ít nhất 6 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn đạt từ 9 trở lên.

Khen thưởng danh hiệu "Học sinh Giỏi" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức tốt (tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình từ 6,5 điểm trở lên), trong đó có ít nhất 6 môn đạt từ 8 điểm trở lên.

Tuy vậy, việc đánh gia theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT có thể dẫn đến việc học sinh sẽ học thêm nhiều môn hơn để đạt danh hiệu học sinh xuất sắc hay giỏi như nói trên. Nếu như trước đây học sinh học thêm ít nhất 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, nay phải thêm 3 môn nữa mới đủ điều kiện để khen thưởng.

Như vậy, gốc rễ của việc dạy thêm, học thêm là bởi nội dung chương trình, thi cử nặng nề, tâm lý chuộng bằng cấp…

Với hơn 36 năm đứng trên bục giảng, tiếp xúc học trò, tôi cho rằng, để chấn chỉnh vấn đề dạy thêm học thêm, cần thay đổi từ gốc, tức từ chương trình 2018, từ hướng dẫn thực hiện của Bộ GDĐT.

Có như vậy mới triệt tiêu việc dạy thêm học thêm, nếu không tiền học thêm vẫn là gánh nặng tài chính trên vai phụ huynh học sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn