MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS Ngô Bảo Châu - Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. Ảnh: Anh Dũng

GS Ngô Bảo Châu chỉ ra mặt trái của tâm lý học để thi ở Việt Nam

Bích Hà LDO | 06/11/2022 06:34

Trước sự nở rộ của các kỳ thi Toán, khoa học có gắn mác "quốc tế" ở Việt Nam dành cho học sinh, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, các kỳ thi này vừa có ý nghĩa tích cực và cũng rất tiêu cực. Ông khuyên phụ huynh không nên chạy đua đóng tiền cho con đi thi chỉ để lấy tấm chứng chỉ làm đẹp hồ sơ.

Sợ toán là thiệt thòi rất lớn trong cuộc đời

Trong chương trình giới thiệu về dự án học Toán trực tuyến bằng tiếng Anh của Trường Toán Minh Việt ngày 5.11, GS Ngô Bảo Châu - Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và GS Phùng Hồ Hải - nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam - đã chia sẻ những trăn trở về cách dạy và học toán trong nhà trường hiện nay.

GS Ngô Bảo Châu bày tỏ sự tiếc nuối khi rất nhiều học sinh thông minh, biết rất nhiều thứ nhưng lại rất sợ toán. Nhiều em cứ dính đến công thức, tính toán là “vã mồ hôi”. Điều này có lỗi của người lớn khi không khơi gợi được sự hứng thú với việc học toán ở con trẻ.

Ông cho rằng, việc dạy học toán cho trẻ em nói chung có thể không cần rộng, sâu hay giỏi, chỉ cần đủ hiểu biết để không sợ toán thì đã hành trang rất quý cho cuộc sống sau này. Đặc biệt, trong thời đại kỷ nguyên số, nếu sợ toán là một thiệt thòi lớn trong cuộc đời, sẽ để mất đi cơ hội của mình.

“Vậy làm sao để học sinh thích học toán?”, theo GS Ngô Bảo Châu, quan trọng nhất là khiến các em thấy vui khi học. Trẻ con thích rèn luyện trí thông minh. Không cần bắt các em học nhiều, nhớ nhiều.

Trong phổ thông có vài điểm mà theo ông rất quan trọng cần phải dạy, ví dụ ở tiểu học là phân số, THCS cần hiểu thế nào là giải phương trình bậc 2... Còn những thứ không cần thiết nên lược bớt đi.

"Trong chương trình thời tôi đi học, tôi thấy có những cái hoàn toàn thừa mà chẳng hiểu sao lại rất quan trọng, ví dụ 7 hằng đẳng thức đáng nhớ. Tôi thì không nhớ được 7 hằng đẳng thức đáng nhớ đó là cái gì và đến giờ tôi vẫn không thể giải thích được tại sao lại phải “đáng nhớ” đến thế" - GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.

"Cha mẹ sốt sắng đến mức đáng ngại về việc cho con mình đi thi"

GS Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ trăn trở về hiện tượng phụ huynh đang chạy đua theo các cuộc thi. Điều này gây áp lực lên học sinh, khiến các em không tìm được niềm vui khi học toán. 

“Không có lý do gì mà ở Việt Nam có tới 50 hoặc 100 kỳ thi toán khác nhau. Cha mẹ học sinh đóng tiền để con ra nước ngoài thi lấy một cái chứng chỉ để cho vào hồ sơ nộp xin học bổng chỗ nọ, chỗ kia… Cá nhân tôi rất không thích thú với chuyện đó” - ông nói.

GS Ngô Bảo Châu cũng chỉ ra một quan niệm mà ông gọi là “hơi tiêu cực” của phụ huynh Việt Nam là học để đi thi, dạy học để đối phó với các kỳ thi. Ông dẫn chứng việc thay đổi cách thức thi từ tự luận sang thi trắc nghiệm với môn Toán thời gian qua khiến cho việc dạy học toán ở trường phổ thông chuyển sang học toán để thi trắc nghiệm.

Theo ông, việc dạy học toán là phải làm sao cho những điều trông có vẻ rối rắm, phức tạp trở thành đơn giản, đó mới là cái đẹp của toán học. “Tôi nghĩ điều đó tốt hơn là những cuộc thi đua” - GS nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, GS Phùng Hồ Hải đưa ra cảnh báo việc cha mẹ coi con mình như “công cụ” để giải toả những mong muốn của bản thân mình, “ép” con tham gia các kỳ thi. 

"Cha mẹ các em sốt sắng đến mức đáng ngại về việc cho con mình đi thi. Kỳ thi lẽ ra là sân chơi, để các em thể hiện khả năng, đam mê của mình nhưng còn bây giờ nhiều em đi thi là vì động cơ, định hướng thái quá của cha mẹ” - GS Hải nói.

GS cho rằng, cần phải có chiến lược tuyên truyền để sớm thay đổi quan niệm của này phụ huynh Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn