MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS Trương Nguyện Thành quyết định trở về Mỹ sau khi không được công nhận đủ chuẩn hiệu trưởng.

GS Trương Nguyện Thành không đủ chuẩn làm hiệu trưởng: Còn nhiều rào cản đón người tài trở về

Đặng Chung LDO | 05/05/2018 15:46
GS Trương Nguyện Thành, người vẫn được gọi với biệt danh “Giáo sư quần đùi” đã tuyên bố tạm gác giấc mơ đóng góp cho phát triển giáo dục ĐH ở Việt Nam để trở về giảng dạy cho một trường ĐH ở Mỹ.

Đây là thông tin gieo nỗi buồn với đội ngũ trí thức và những người làm giáo dục. Câu chuyện có vẻ hài hước, khi một GS được nước Mỹ công nhận, với thành tích đầy mình lại không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng một trường ĐH tư thục ở Việt Nam.

Chia sẻ về câu chuyện này, TS Lê Viết Khuyến–Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam ví von: Chuyện về GS Thành cũng ngang trái như câu chuyện “Tiến sĩ ở Pháp vẫn trượt viên chức ở VN”, hay chuyện công nhận chức danh GS, PGS gây ồn ào thời gian qua.

Thực tế có người chưa xứng đáng nhưng vẫn được đủ chuẩn, người thật sự giỏi lại “trượt thẳng cẳng”, vì hàng loạt tiêu chí, tưởng là chặt chẽ nhưng lại trở thành rào cản và tạo kẽ hở cho tiêu cực.

Nhưng sâu xa hơn, từ những câu chuyện này cho thấy vấn đề tự chủ trong giáo dục ĐH ở nước ta vẫn còn nửa vời, vẫn còn quá nhiều giấy phép con, rào cản để phát triển.

“Chức danh GS, PGS, hay bầu và bổ nhiệm hiệu trưởng đáng lẽ do các trường ĐH quyết định, nhưng ở nước ta lại trải qua bao nhiêu hội đồng xét duyệt, thẩm định, bao nhiêu tiêu chí cứng. Rất buồn là tiêu chí như thế thực chất được đẻ ra từ “các phòng lạnh”, tức là người viết tiêu chí có khi đa số chưa làm hiệu trưởng ngày nào”- TS Khuyến thẳng thắn.

TS Lê Viết Khuyến. 

Ông cũng dẫn Nghị quyết 19-NQ/TW 2017 Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã nêu rõ:

“Tiến tới áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học”.

Tức là tiến bỏ vai trò của bộ chủ quản để phát huy tối đa vai trò tự chủ của các trường. Chỉ tiếc là hiện nay “vai trò của hội đồng trường đã bị vô hiệu hóa vì quyền lực của cơ quan chủ quản”. Câu chuyện của GS Trương Nguyện Thành đã chứng minh điều này.

“Tôi cho rằng các quy định trong Luật Giáo dục ĐH hiện hành đã không còn phù hợp với thực tế, với Nghị quyết của trung ương về nâng cao vai trò tự chủ của các trường ĐH. Nếu chưa phù hợp thì phải chỉnh sửa theo hướng: Hội đồng trường được toàn quyền quyết định việc bầu, bổ nhiệm và miễn nhiệm hiệu trưởng.

Còn nhà nước chỉ đưa ra một số tiêu chí, nhưng tiêu chí cũng phải hợp lý với thực tế, theo xu hướng quốc tế, chứ không thể mình Việt Nam một kiểu. 

Nếu vẫn giữ tiêu chuẩn có kinh nghiệm 5 năm làm lãnh đạo phòng/khoa của một cơ sở giáo dục ĐH trong nước mới đủ chuẩn làm hiệu trưởng, chắc người thuộc top xuất sắc của thế giới vẫn trượt chức hiệu trưởng ĐH ở Việt Nam. Chúng ta hô hào đón người tài trở về, nhưng cơ chế vẫn chưa thực thông thoáng"- TS Lê Viết Khuyến khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn