MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS Phạm Tất Dong phản đối quan điểm đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ảnh: ussh

GS.TS Phạm Tất Dong: Không thể xem dạy thêm như một món hàng kinh doanh

Tường Vân LDO | 15/11/2021 14:56

GS.TS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng, giáo dục không phải là món hàng kinh doanh. Nếu đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ xảy ra nhiều hệ lụy, tai hại và nảy sinh nhiều tiêu cực. 

“Học thêm” là chữ rất hay, rất đẹp

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, cuộc sống là quá trình không ngừng học hỏi, phấn đấu và vươn lên. Do đó, học thêm là điều rất tốt và nên được khuyến khích, ủng hộ thay vì cấm đoán.

Học thêm có ý nghĩa quan trọng đối với con người. Bất kể trẻ hay già, cán bộ, công nhân, tri thức, hay thầy giáo… đều phải học thường xuyên, học trọn đời. Học để bổ sung tri thức, chiếm lĩnh đỉnh cao của học vấn và để hoàn thiện bản thân. 

Trong phạm vi lớp học trên trường, thầy cô chỉ truyền thụ lượng kiến thức nhất định, chưa đáp ứng hết nhu cầu của người học. Khi đó, việc tìm đến các lớp học thêm là điều chính đáng, cần ủng hộ, khuyến khích thay vì cấm cản.

"Chúng ta chỉ nên lên án việc học thêm những điều vô bổ. Hay một bộ phận giáo viên dạy thêm với mục đích "moi tiền" của phụ huynh, lôi kéo, ép buộc học sinh đi học, một số trung tâm dạy thêm mở ra với mục đích kinh doanh, lợi nhuận, đánh lừa dư luận gây nên những cách hiểu sai về bản chất của 2 chữ "học thêm""- GS.TS Phạm Tất Dong bày tỏ quan điểm.

"Không thể đưa giáo dục trở thành một món hàng kinh doanh"

Trước thông tin đề nghị đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, GS.TS Phạm Tất Dong phản đối cách làm này. Ông cho rằng:

"Không thể đặt vấn đề kinh doanh trong giáo dục bởi giáo dục là 1 loại dịch vụ đặc biệt. Bản chất việc học thêm là phi lợi nhuận, là đầu tư cho tương lai chứ không phải nặng về mục đích kinh doanh.

Nếu giáo dục được đưa vào danh mục kinh doanh sẽ rất nguy hiểm, bởi kinh doanh gắn liền với bài toán lợi nhuận, lỗ và lãi. Vì chạy theo lợi nhuận mà có thể xảy ra nhiều hệ lụy, tiêu cực như mua bằng cấp, chạy điểm,...".

Nhìn nhận vấn đề hiện nay, khi một bộ phận giáo viên sử dụng mác "dạy thêm" nhưng thực chất là "o ép", "lôi kéo" thậm chí là "trù dập" những em không tham gia, GS.TS Phạm Tất Dong phân tích:

"Không phải giáo viên nào cũng dạy thêm. Phần lớn giáo viên dạy thêm ở những nơi có điều kiện. Như vậy, vấn đề cốt lõi ở đây là mức thu nhập của giáo viên chưa tương xứng, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu cuộc sống nên họ buộc phải mở lớp dạy thêm, kiếm thêm thu nhập và tích lũy cho tương lai". 

Để giải quyết tình trạng nêu trên, ông cho rằng, Nhà nước cần xem xét, cân đối lại mức lương cho giáo viên.

"Thực trạng hiện nay, có những giáo viên lương chỉ vài ba triệu đồng, không thể đáp ứng cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, duy trì chất lượng cuộc sống. Nếu lương trả cao hơn so với thu nhập làm thêm bên ngoài thì chắc chắn giáo viên sẽ dạy tử tế, tâm huyết với nghề và không phải tính toán kiếm thêm thu nhập từ việc dạy thêm" - ông Dong bày tỏ quan điểm.   

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn