MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội chính thức dành gần 2700 biên chế cho giáo viên xét tuyển đặc cách

Nguyễn Hà - Cường Ngô LDO | 04/12/2019 15:32

Chiều 4.12, HĐND thành phố Hà Nội đã chính thức thông qua Nghị quyết về tổng biên chế sự nghiệp 2020, trong đó có 2.692 biên chế bố trí cho giáo viên thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách.

Báo cáo tại kỳ họp 11 HĐND thành phố Hà Nội, bà Vũ Thu Hà - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết UBND thành phố đã báo cáo HĐND thành phố xem xét về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của Thành phố năm 2020 như sau:

Biên chế hành chính là 9.479 biên chế, trong đó, 8.042 biên chế công chức, giảm 185 biên chế so với năm 2019. Số giao đúng theo biên chế của Bộ Nội vụ giao năm 2020 tại Quyết định số 717/QĐ-BNV ngày 4.9.2019. 

Lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP 1.437 chỉ tiêu, giữ nguyên so với năm 2019; Lao động định mức: 0 chỉ tiêu, giảm 242 chỉ tiêu so với năm 2019.

Biên chế sự nghiệp là 142.564 biên chể, trong đó, 122.765 biên chế viên chức (dự phòng: 2.793 biên chế), giảm 1.000 biên chế so với năm 2019.

Giáo viên hợp đồng trước nguy cơ mất việc. Ảnh: Huyền Trần 

Trong kế hoạch sử dụng biên chế năm 2020 tăng 2.692 biên chế để bố trí cho giáo viên thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách theo Công văn số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ và một phần dự phòng phát sinh năm 2020, tạm thời đưa vào quỹ dự phòng biên chế và sẽ phân bổ cho các trường trên cơ sở định mức và kết quả thực tế tuyển dụng đối với các giáo viên thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách còn phải tiếp tục giải quyết.

Với 95/96 đại biểu biểu quyết tán thành, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2020.

Ban pháp chế HĐND thành phố đề nghị UBND báo cáo giải trình thêm 1 số nội dung như sau: Thứ nhất báo cáo kết quả sơ bộ công tác tuyển dụng biên chức ngành giáo dục tại các quận, huyện, thị xã.

Theo tờ trình của UBND thành phố, UBND thành phố đề nghị tăng 2.692 biên chế để bố trí cho giáo viên thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ, làm rõ hơn kế hoạch chỉ tiêu biên chế viên chức ngành giáo dục 2020.

Trong đó làm rõ kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể với các giáo viên hợp động chưa thi tuyển được, đảm bảo bố trí công tác hợp lý, công bằng đối với các trường hợp này, và các hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh và đề xuất các giải pháp. 

Các giáo viên say sưa truyền đạt kiến thức cho học trò, dù tới đây có thể không còn được đứng lớp. Ảnh: Bình Minh 

Công văn số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ nêu rõ, để khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục giáo dục và y tế, Bộ Chính trị (tại công văn số 9028-CV/VPTU) và Thủ tướng Chính phủ (công văn số 1480/VPCP) đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét tuyển đặc cách với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Trước đó, Lao Động đã có nhiều bài viết phản ánh việc giáo viên hợp đồng ở Hà Nội muốn tiếp tục đứng lớp phải đăng ký dự tuyển viên chức và nếu thi không đỗ, họ sẽ bị chấm dứt hợp đồng làm việc. Nhiều giáo viên sau hơn 20 năm cống hiến cho ngành giáo dục, cũng có nguy cơ bị đẩy "ra đường".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn