MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội cần nhiều giải pháp đồng bộ cho tình trạng quá tải trường lớp. Ảnh minh họa: VOV

Hà Nội “chống chọi” thế nào với sĩ số 69 học sinh/lớp?

HUYÊN NGUYỄN LDO | 10/01/2019 13:00

Vấn đề áp lực sĩ số ở các trường học tại Hà Nội, thiếu trường lớp, giáo viên đang là bài toán “đau đầu” đối với các nhà quản lí. Năm học 2018-2019, thậm chí, có lớp học lên tới sĩ số 69 học sinh. Để chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Hà Nội sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Hà Nội đang thiếu gần 12.000 giáo viên

Theo khảo sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Hà Nội trong năm 2018-2019, Hà Nội hiện có hơn 100 trường mầm non, tiểu học công lập có sĩ số từ 50 học sinh trở lên mỗi lớp, thậm chí lớp lên đến 69 em.

Trong đó, có 19/772 trường mầm non công lập có sĩ số từ 50 cháu trở lên/lớp học. Cá biệt có 4 trường mầm non có sĩ số 60 cháu/lớp tập trung ở quận Cầu Giấy. Có 87/697 trường tiểu học công lập (chiếm 14%) có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp học. Cá biệt có 37 trường có sĩ số từ 55 học sinh trở lên/lớp, trong đó có 3 trường có sĩ số từ 60 học sinh trở lên/lớp.

Ở khối THCS, có 13/599 trường công lập có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp.

Mặc dù số học sinh và trường lớp tăng nhanh nhưng từ năm 2015 đến nay thành phố chưa tổ chức đợt thi tuyển viên chức giáo viên, dẫn tới thiếu nhiều giáo viên trong các trường, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Cũng theo kết quả này, Hà Nội còn thiếu gần 12.000 giáo viên ở các cấp học.

Nâng tầng để tăng diện tích

Trước những yêu cầu về cơ sở vật chất trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được triển khai từ năm học 2020-2021, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội bày tỏ mong muốn Bộ cần sớm ban hành các quy định tối thiểu về cơ sở vật chất trường học, các phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học… để UBND các tỉnh, thành phố có thời gian nhất định để chuẩn bị, triển khai có hiệu quả.

Là một địa phương chịu nhiều áp lực về sĩ số học sinh lớn nhất cả nước, ông Chử Xuân Dũng bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về các biện pháp, giải pháp để làm sao những thành phố lớn có đông học sinh trong khi cơ sở vật chất trường lớp còn khó khăn có phương án thực hiện.

Người đứng đầu ngành GDĐT Thủ đô cũng thông tin thành phố đã thông qua việc bổ sung đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020: cho xây mới, bổ sung thêm 222 trường, lớp với tổng kinh phí đầu tư 5.549,2 tỉ đồng và tiếp tục đầu tư hàng năm cho việc mua sắm cơ sở vật chất.

Ông Phạm Hùng Anh – Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất, Bộ GDĐT cho rằng với để giải quyết tình trạng quá tải tại Hà Nội thì cần kết hợp nhiều giải pháp, không phải cho chương trình mới mà ngay cả chương trình hiện tại. Bên cạnh việc xây mới, Bộ GDĐT cũng đã đồng ý cho các trường ở quận nội thành được phép nâng tầng các cơ sở giáo dục khi có đủ điều kiện, chuyển hệ thống phòng hiệu bộ, hành chính lên tầng, dành tầng thấp bổ sung cho lớp học.

“Hà Nội đang làm rất quyết liệt và sẽ tháo gỡ được khó khăn về phòng học. Tôi cho rằng đây là những giải pháp căn cơ mà Hà Nội đang làm và làm rất quyết liệt. Với cơ sở vật chất, chúng ta cũng sẽ cần thời gian chứ không phải nói ngày hôm nay là ngày mai có được. Mục tiêu tới năm 2020, Hà Nội sẽ khắc phục được tình trạng này”, ông Hùng Anh thông tin.

Xung quanh đề xuất này, ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GDĐT, cho rằng: Với những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có số học sinh quá đông thì Bộ đang phối hợp với Bộ Xây dựng để điều chỉnh chuẩn quy định nhà trường cho phù hợp và khả thi. Tuy nhiên, địa phương vẫn phải chủ động vì với tốc độ nhà cao tầng ngày càng nhiều thì giải pháp cũng không thể phù hợp nếu không có quy hoạch trường lớp đồng bộ.

Hướng tới quy định không gian cho học sinh

Ông Phạm Hùng Anh – Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất, Bộ GDĐT cho biết sắp tới Bộ GDĐT sẽ điều chỉnh quy định về tiêu chuẩn của trường học theo hướng quy định về diện tích dành cho một học sinh thay vì quy định sĩ số học sinh như trước. Ông Hùng Anh lí giải, một lớp sĩ số bao nhiêu học sinh còn phụ thuộc vào phương pháp giảng dạy. Quan trọng là mỗi học sinh có một không gian để học tập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn