MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên không lên lớp dạy trực tiếp, học sinh lớp 12D5 Trường THPT Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội) vẫn duy trì không khí nghiêm túc của lớp học. Ảnh: Tường Vân.

Hà Nội: Học sinh đến trường học trực tiếp nhưng vẫn phải học trực tuyến

Tường Vân LDO | 10/12/2021 15:10

Tại nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội, dù học sinh đến trường học trực tiếp, nhưng nhiều giáo viên lại thuộc diện F1, F2, khu vực phong tỏa... Các nhà trường đã linh động kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến để việc học của các em được duy trì.

Vắng cô, những tiết học vẫn diễn ra bình thường

Ngay từ sáng sớm, em Trần Hà Trang – học sinh lớp 12D5 Trường THPT Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội) đã đến trường với tâm thế háo hức được đi học, được đến trường gặp thầy cô, bạn bè. Dù vui mừng, nhưng em không quên nhiệm vụ quan trọng là giữ an toàn cho bản thân, cho những người xung quanh. Sau khi đo thân nhiệt, Hà Trang nhanh chóng di chuyển về lớp học, ổn định vị trí, chuẩn bị cho tiết học đầu tiên.

Cả lớp bước vào tiết học đầu tiên trong tình huống vô cùng đặc biệt: Cô giáo không lên lớp,  học sinh ngồi tại lớp để học trực tuyến, cô trò nhìn nhau qua màn hình máy chiếu.

Giáo viên Trường THPT Đống Đa, Hà Nội duy trì dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: Tường Vân.

“Tối ngày 9.12, một giáo viên trong trường thông báo khu dân cư bị phong tỏa do xuất hiện F0. Ngay lập tức, nhà trường đã bố trí cho cô giáo ở nhà dạy qua Teams.

Tiết đầu tiên của sáng ngày 10.12, các con lớp 12D5 sẽ học trực tuyến ngay tại lớp học và sang tiết 2, sẽ chuyển sang học trực tiếp với bộ môn khác.

Như vậy, có thể đảm bảo việc học tập cho các con, lại an toàn trong việc phòng, chống dịch bệnh” – cô Trần Thị Bích Hợp – Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

Không chỉ tại Trường THPT Đống Đa, tình trạng học sinh đến trường trực tiếp nhưng tất cả đều học online do nhiều thầy cô giáo thuộc diện F1, phải đi cách li tập trung, một số giáo viên thuộc khu vực phong tỏa, khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao,…. còn diễn ra tại nhiều cơ sở giáo dục khác.

“Có những buổi học 7 lớp đến trường thì có tới 3 lớp không có giáo viên. Nhà trường phải bố trí cho các con học online, đồng thời cử các thầy cô tổng giám thị về các lớp để giữ ổn định lớp học, đảm bảo các con thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch khi vắng giáo viên trên lớp” - cô Phạm Thị Thanh Vân – Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long, Hai Bà Trưng chia sẻ.

 Phụ huynh viết đơn xin cho các con được học trực tuyến

Tại Trường THPT Đống Đa, toàn trường có 16 lớp học với tổng số 657 em. 50% số lớp đi học ngày chẵn và 50% số lớp đi học ngày lẻ. Mỗi tầng sẽ bố trí từ 1-2 lớp để đảm bảo giãn cách. Ban giám hiệu còn bố trí 1 dãy nhà riêng biệt, lắp đặt hệ thống mạng Internet, thiết bị máy móc để giáo viên có thể vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến ngay tại nhà trường.

Học sinh Trường THPT Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội) giãn cách đến trường. Ảnh: Tường Vân.

“Sau gần 1 tuần đi học trở lại, tâm lí các con rất vui mừng, phấn khởi. Nhưng quan điểm của chúng tôi là muốn đến trường lâu dài, phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch…. Chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh về phòng, chống dịch bệnh, nâng cao ý thức cho bản thân và những người xung quanh" - cô Trần Thị Bích Hợp – Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa chia sẻ về công tác đảm bảo an toàn khi đón học sinh đi học trở lại. 

Theo cô Hợp, dù đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện an toàn, nhưng không tránh khỏi trường hợp phụ huynh chưa thật sự yên tâm khi cho con trở lại trường trong giai đoạn này.

"Nhà trường có khoảng 100 học sinh không đi học do sống tại khu vực dịch cấp độ 3, khu vực phong tỏa, liên quan đến dịch tễ, các cháu bị cách li. Khoảng gần 10 phụ huynh viết đơn xin cho các con được học trực tuyến vì sức khỏe của các con không được tốt, phụ huynh không an tâm cho con đến trường trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Tất cả những trường hợp nêu trên sẽ học trực tuyến tại nhà, đảm bảo các con dù đến trường hay không vẫn được tham gia các lớp học như bình thường. 

Nhà trường vẫn động viên và phân tích cho phụ huynh và học sinh hiểu. Quan trọng làm sao tạo được sự an toàn, nhất cho học sinh và thầy cô giáo khi đến trường, có như vậy phụ huynh mới tin tưởng và yên tâm.

Dịch bệnh không biết khi nào mới hết, nhưng mọi hoạt động vẫn phải diễn ra hàng ngày, trong đó đó có việc dạy và học. Việc dạy trực tuyến kết hợp trực tiếp quả thực còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, toàn bộ giáo viên đều đồng lòng cố gắng, nỗ lực vượt qua để học trò được từng bước tới trường, trở về cuộc sống bình thường như trước kia”- cô Hợp nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn